Bộ Công thương đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém 12 dự án, DN. Quan điểm của Bộ là kiên quyết không cấp thêm vốn nhà nước và cho phá sản nếu không có khả năng khắc phục.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương đến Đại biểu Quốc hội Khóa XIV tại Kỳ họp thứ tư, về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, trong đó liên quan đến 12 dự án thua lỗ của ngành.
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án thua lỗ ngành Công thương.
Hơn 41.800 tỷ đồng vốn từ ngân hàng rót vào 12 dự án thua lỗ
Bộ Công thương cho hay, có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón; DQS; và Nhà máy thép Việt Trung); 3 Dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam); 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ - PVTex).
Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 Dự án/nhà máy nêu trên là 43.674 tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.611 tỷ đồng (tăng 46).
Trong đó, vốn chủ sở hữu 14.350 tỷ đồng, chiếm 23%; vốn vay 47.451 tỷ đồng, chiếm 75%; còn lại 2,84% từ các nguồn khác.
Cụ thể về vốn vay, Bộ Công thương cho biết vốn vay các ngân hàng trong nước là hơn 41.801 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 16.859 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ 6.617 tỷ đồng.
Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16.126 tỷ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là 3.985 tỷ đồng.
Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679 tỷ đồng; Tổng nợ phải trả trên 55.063 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả VDB 10.633 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ gần 4.300 tỷ đồng.
Tổng số vốn đã giải ngân của 3 Dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8.614 tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13.066 tỷ đồng.
Hết sức lưu ý đến khâu định giá bất động sản
Trong báo cáo, Bộ Công thương nêu quan điểm bảo đảm thực hiện các phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp; hết sức lưu ý đối với khâu định giá tài sản, nhất là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp nêu trên.
Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, và báo cáo kiểm tra pháp lý, kiên quyết xử lý sớm, dứt điểm các tranh chấp, bất cập phát sinh giữa chủ đầu tư và các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu EPC; tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo các hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn cho các nhà đầu tư ngoài nhà nước, đồng thời kiên quyết thực hiện cho phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật đối với các dự án, doanh nghiệp không có khả năng khắc phục, thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách Nhà nước và với nền kinh tế nói chung.
Tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp; làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan; xử lý nghiêm minh và sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật; không để tái diễn những yếu kém, khuyết điểm trong quá trình quản lý điều hành đối với doanh nghiệp nhà nước như thời gian qua.
Đến năm 2020 sẽ hoàn tất xử lý tồn tại của 12 dự án
Bộ Công thương đặt mục tiêu trong năm 2017 hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện.
Đến hết năm 2018, xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp.
Năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp.
Bộ cũng đặt mục tiêu xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.
Đầu tháng 10, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Theo NĐH
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
dailypress.com@gmail.com