Với chủ đề “Tôi vì cộng đồng”, Tập 5 “Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam” mang đến cho thí sinh những trải nghiệm đầy ý nghĩa thông qua các dự án cộng đồng do chính họ đưa ra và triển khai.
Là một người đẹp, các cô gái cần phải có những đóng góp cho hoạt động từ thiện, xã hội. Thử thách trong tập 5 “Tôi vì cộng đồng” giúp thí sinh có thêm những kỹ năng như: kỹ năng xây dựng kế hoạch thiện nguyện, kỹ năng gây quỹ từ thiện, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết phục nhà tài trợ tham gia vào hoạt động từ thiện, kỹ năng thuyết trình và hùng biện… Ban tổ chức mong muốn thông qua thử thách, các thí sinh hiểu được quy trình và kỹ năng để sau này có thể tự xây dựng kế hoạch, huy động vốn tài trợ và tổ chức một hoạt động thiện nguyện trong tương lai. Đó là trách nhiệm mà tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cần phải thực hiện để xứng đáng với danh hiệu mình có được.
Á hậu Lệ Hằng tiếp tục giữ vai trò đồng hành cùng các thí sinh trong tập này. Suốt thời gian 2 năm nhiệm kỳ của mình, Á hậu Lệ Hằng đã có nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, cùng tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam trao yêu thương đến những hoàn cảnh cần được giúp đỡ. Vì vậy, cô rất vui khi là người truyền lửa và hướng dẫn thí sinh trong chủ đề “Tôi vì cộng đồng”. Cùng với Á hậu Lệ Hằng, ngân hàng Nam Á là đơn vị tài trợ, đồng hành với thí sinh và ủng hộ số tiền 300 triệu đồng vào ngân sách giúp thí sinh có số vốn thực hiện dự án cộng đồng. Bà Lương Thị Cẩm Tú – Tổng giám đốc ngân hàng Nam Á chia sẻ: “Chúng tôi có ý thức rất rõ về việc chung tay góp sức vì một cộng đồng tốt đẹp. Vì thế, chúng tôi rất vui khi ủng hộ Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua và quyết định lựa chọn tập “Tôi vì cộng đồng” để đồng hành cùng chương trình”.
Các thí sinh được chia thành 7 nhóm bốc thăm ngẫu nhiên. Mỗi nhóm có một dự án cộng đồng riêng, từ đó thiết lập kế hoạch, huy động sự góp vốn, giúp đỡ từ cộng đồng và các mạnh thường quân. Các thí sinh rất vui và hào hứng với tập này. Thí sinh Hoàng Hải Thu (SBD 106) cho biết: “Vì đây là một hoạt động về cộng đồng nên chúng tôi mong chờ rất lâu rồi và rất mong muốn thực hiện nó”. Còn thí sinh Lê Thị Ánh Minh (SBD 112) thì bày tỏ cảm xúc: “Tôi thấy đây là một tập rất ý nghĩa. Vai trò của một người hoa hậu sẽ là cầu nối gắn kết nhà tài trợ và những người nghèo lại với nhau”.
Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc nhóm cũng là một thử thách không nhỏ đối với các thí sinh, khi phải dung hòa giữa cái tôi cá nhân và tập thể. Những tranh cãi, bất đồng ý kiến là điều không tránh khỏi nhưng qua đó giúp thí sinh có thêm kỹ năng làm việc nhóm, trình bày ý tưởng và phản biện để bảo vệ quan điểm của mình. Đây là những kỹ năng cần thiết đối với một cô gái khi tham gia cuộc thi sắc đẹp. Nhất là đối với một cuộc thi đề cao sự tự tin, bản lĩnh và trí tuệ như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.
Lựa chọn đề tài “Sạch vì sức khỏe, sạch vì tương lai”, nhóm 1 muốn mở một quán ăn sử dụng nguyên liệu sạch để chế biến. Ngoài ra, quán ăn cũng là cơ hội giúp những trẻ em nghèo có thêm thu nhập. Một vài thí sinh sôi nổi đưa ra ý kiến của mình như Phạm Thùy Dung (SBD 225), Bùi Lý Thiên Hương (SBD 326), Nguyễn Thị Anh (SBD 236).
Dù đã thảo luận hơn 3 tiếng đồng hồ, nhưng nhóm 4 vẫn chưa chọn được đề tài cho nhóm. Thí sinh Lâm Quế Phi (SBD 233) bày tỏ ý kiến hướng đến đối tượng học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong khi thí sinh Lê Thị Kiều Nhung (SBD 333) thì muốn thiết thực hơn với nhóm trẻ em mồ côi. Thí sinh Nguyễn Phương Hoa (SBD 240) nhận ra rằng những ý kiến này bất khả thi và cần tìm ra hướng giải quyết. Á hậu Lệ Hằng đã nhắc nhở: “Các em chưa tập trung. Hằng cần các em đưa trái tim vào trong tập này vì tập này rất quan trọng. Hằng cảm thấy rất thất vọng”. Cuối cùng, nhóm 4 chọn đề tài” Ý thức về tương lai”.
Với đề tài “Mầm xanh vì sức khỏe”, các thành viên trong nhóm 2 khá hiểu ý nhau và cùng thảo luận vui vẻ cho dự án. Thí sinh Vũ Thị Tuyết Trang (SBD 115) chia sẻ: “Gần đây vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường tiểu học gây ra rất nhiều nhức nhối. Nên chúng tôi muốn góp phần giải quyết vấn đề này”.
Là nhóm vô tình có rất nhiều thí sinh nổi tiếng ghép chung với nhau, nhóm 3 chọn đề tài “Đồ cũ của bạn, tương lai của em”. Cụ thể, nhóm mong muốn quyên góp đồ cũ của mọi người, rồi đưa lên website và bán lấy tiền giúp đỡ trẻ em nghèo. Á hậu Lệ Hằng cho rằng: “Ý tưởng này chưa thiết thực và chỉ dừng lại ở một mức độ nào đó. Các bạn quên trách nhiệm của mình là một đại sứ hoa hậu. Cần đặt yếu tố cho cộng đồng, xã hội lên cao hơn nữa”. Thí sinh Hoàng Thị Thùy (SBD 404) đã giải thích về ý tưởng của nhóm mình và đưa ra những ưu, nhược điểm về tính khả thi khi thực hiện dự án.
Chọn đề tài liên quan đến văn hóa “Sống dậy làng thủ công lục bình bằng du lịch trải nghiệm”, nhóm 5 muốn khơi lại làng nghề truyền thống Việt Nam đã bị quên lãng bấy lâu nay. Còn nhóm 6 thì chọn đề tài vế vấn nạn ấu dâm với slogan “Ngôi nhà hy vọng”. Nhóm 7 chọn đề tài “Nối dài những vòng tay nhân ái” nhằm giúp đỡ người khuyết tật có cuôc sống hoàn thiện hơn.
Nhận xét về dự án cộng đồng của 7 nhóm, Á hậu Lệ Hằng chia sẻ: “Không chỉ đơn thuần dừng ở việc phát bao nhiêu gạo, cho bao nhiêu bộ quần áo, cần các bạn tập trung đưa ra một dự án thiết thực, sâu sắc và nghĩ xa hơn là có thể tiếp tục dự án ngay cả khi cuộc thi kết thúc”.
Sau đó, các nhóm thí sinh huy động, kêu gọi sự bầu chọn từ khán giả và cộng đồng. Quỹ Hoàn Vũ sẽ trích số tiền tương ứng số điểm các nhóm có được để đưa ra số vốn giúp nhóm chiến thắng thực hiện dự án.
Cuối cùng, sau khi tổng kết số điểm từ bầu chọn của khán giả, có 4 nhóm tiếp tục bước vào vòng thuyết trình ý tưởng trước hội đồng chuyên môn: nhóm 5 (Sống dậy làng thủ công lục bình bằng du lịch trải nghiệm), nhóm 3 (Đồ cũ của bạn, tương lai của em), nhóm 7 (Nối dài những vòng tay nhân ái), nhóm 6 (Ngôi nhà hy vọng). Nhiều thí sinh tiềm năng đều có mặt trong danh sách này như: Hoàng Thị Thùy (SBD 404), Mâu Thị Thanh Thủy (SBD 242), Bùi Thanh Hằng (SBD 413), Tiêu Ngọc Linh (SBD 349), H’hen Niê (SBD 424)…
7 nhóm có được 47.000 điểm, tương đương 141 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ dành cho nhóm chiến thắng thực hiện dự án cộng đồng.
Bước vào phần thuyết trình trước hội đồng chuyên môn, có 3 tiêu chí lựa chọn nhóm chiến thắng, đó là nội dung ý tưởng, mức độ khả thi của dự án và mức độ lan tỏa cộng đồng. Á hậu Lệ Hằng, Á hậu Nguyễn Thị Loan, nhà báo Lê Phước Lập và bà Võ Thị Tuyết Nga – Thành viên Hội đồng quản trị kiêm phó tổng giám đốc Nam Á Bank giữ vai trò “cầm cân nảy mực”, tìm ra nhóm có dự án cộng đồng hay nhất.
Là nhóm đầu tiên trình bày ý tưởng, nhóm 5 “Sống dậy làng thủ công lục bình bằng du lịch trải nghiệm” được nhà báo Lê Phước Lập đánh giá cao vì “truyền được cảm hứng thông qua hoạt động thiện nguyện nhân văn, phát triển kinh tế từ văn hóa mang bản sắc Việt Nam. Đây là một ý tưởng thật đẹp và có giá trị”. Thí sinh Tiêu Ngọc Linh (SBD 349) mong muốn nhân rộng dự án sang những làng nghề khác của Việt Nam. Còn thí sinh Bùi Thanh Hằng (SBD 413) muốn gìn giữ văn hóa kết hợp cải thiện đời sống người dân, chọn du lịch làm phương tiện tôn vinh làng nghề.
Phần thuyết trình của nhóm 7 “Nối dài những vòng tay nhân ái” mang lại nhiều cảm xúc cho hội đồng chuyên môn và khán giả xem đài. Thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Anh (SBD 303) đại diện nhóm chia sẻ: “Nhóm muốn tiếp thêm sức mạnh, lan tỏa và mang đến cuộc sống bình thường cho người khuyết tật, đặc biệt là những người lao động nghèo bị mất chân tay”. Đặc biệt, nhóm 7 còn mời đến sân khấu khách mời là chị Lưu Minh Thảo – một người khuyết tật nhưng có nghị lực sống kiên cường và ý chí mạnh mẽ. Những chia sẻ từ khách mời khiến ban cố vấn vô cùng xúc động. Khi nhà báo Lê Phước Lập hỏi ý tưởng dự án này là của ai, thí sinh Hoàng Như Ngọc (SBD 335) bật khóc vì trong gia đình cô có người em họ là người khuyết tật. Chính những trải nghiệm thực tế mang lại cảm hứng cho Hoàng Như Ngọc đưa ra ý tưởng. Cô tự tin tuyên bố: “Một người giúp mười người thì mười người có thể giúp được 100 người” khi được Á hậu Nguyễn Thị Loan đặt ra bài toán về chi phí lắp chân tay giả cho người khuyết tật.
Trái ngược với nhóm 7, phần thuyết trình của nhóm 6 “Ngôi nhà hy vọng” có nhiều điểm chưa tốt khiến hội đồng chuyên môn phải liên tục đặt ra câu hỏi và nhắc nhở. Nhà báo Lê Phước Lập đưa ra lời khuyên: “Các em có đầu tư về mặt hình thức nhưng các em không hiểu sự việc, không hiểu bản chất nội dung”. Thí sinh Lại Quỳnh Giang (SBD 135) giải thích: “Một dự án không thể thực hiện trong 2,3 ngày mà tốt được. Nhóm em cũng dự đoán được ý tưởng này rất lớn so với 9 thành viên trong nhóm. Nhưng chúng em muốn qua đó lan tỏa đến cộng đồng vì chưa nhiều người lên tiếng về vấn đề này”.
Phần trình bày của nhóm 3 “Đồ cũ của bạn, tương lai của em” bị đánh giá nhàm chán và lủng củng. Thí sinh Huỳnh Thị Cẩm Tiên (SBD 332) cho rằng: “Tụi em sẽ truyền đạt qua những cái đã thảo luận chứ tụi em không cần chuẩn bị slide dài”. Mặc dù đánh giá cao tính khả thi của dự án nhưng Á hậu Nguyễn Thị Loan cho rằng ý tưởng không mới. Đồng thời, cô góp ý về việc nhóm sẽ bán món đồ nào để thu hút sự quan tâm của mọi người.
Cuối cùng, sau khi trao đổi và bàn bạc với nhau, hội đồng chuyên môn quyết định trao số vốn 141 triệu đồng cho nhóm chiến thắng là nhóm 7 (Nối dài những vòng tay nhân ái). Bên cạnh đó, ngân hàng Nam Á còn trao thêm 200 triệu đồng vào ngân sách thực hiện dự án cộng đồng Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam để hỗ trợ, khuyến khích nhớm 7. Bà võ Thị Tuyết Nga nhấn mạnh: “Chúc nhóm 7 nhanh chóng đưa ý tưởng dự án vào thực tiễn”.
Nhóm 7 sau đó tiếp tục thực hiện dự án, giúp những hoàn cảnh khuyết tật lắp tay, chân giả để di chuyển thuận tiện hơn, qua đó nâng cao cuộc sống và cải thiện sinh hoạt thường ngày. Nhờ vậy, họ có thể làm việc bằng chính sức lao động của mình. Đó là tiêu chí và tinh thần mà Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam muốn mang đến cho cộng đồng, xã hội.
Sau nửa chặng đường với các chủ đề: Tôi tự tin, Tôi thanh lịch, Tôi phong cách, Tôi vì cộng đồng, các thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 sẽ bước vào đêm thi bán kết, được truyền hình trực tiếp vào tối thứ Bảy ngày 04/11 trên kênh VTV6.
Gia Hân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
dailypress.com@gmail.com