Bất chấp những ý kiến phải đối, đầu tháng 7 này, Bộ Tài chính tái khẳng định cần phải tăng phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng lên 8.000 đồng/lít.
Khoảng giữa tháng 1/2017, Bộ Tài chính công bố dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường để lấy ý kiến đóng góp. Theo đó, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 8.000 đồng/lít; nhiên liệu bay tăng lên mức 6.000 đồng; các loại dầu diesel, ma dút, nhờn kịch khung là 4.000 đồng/lít. Thuế bảo vệ môi trường với xăng E5, E10 cũng được đề xuất kịch trần lần lượt là 7.200 đồng/lít và 6.800 đồng/lít.
So với Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010, mức khung thuế BVMT tăng rất mạnh. Cụ thể, Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010 áp dụng thuế với xăng là 1.000 - 4.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 1.000 - 3.000 đồng/lít, dầu diesel 500 - 2.000 đồng/lít, dầu hỏa 300 - 2.000 đồng/lít, dầu ma dút 300 - 2.000 đồng/kg…
Biểu khung thuế BVMT đối với xăng dầu. Nguồn: Zing.
Việc điều chỉnh khung thuế như đề xuất được cho là để tạo thêm dư địa điều chỉnh mức thuế trong trường hợp cần thiết. Hiện tại, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã gần bằng mức trần trong khung thuế (mức 3.000 đồng/lít trong khi trần là 4.000 đồng/lít). Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thuế để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ thì sẽ rất khó vì dư địa còn lại là quá nhỏ.
Ngay từ thời điểm công bố, dự thảo Luật Thuế BVMT của Bộ Tài chính đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối của người dân và các chuyên gia kinh tế. Hầu hết đều cho rằng đây là mức nâng quá cao. Ở góc độ sản xuất thì sức cạnh tranh của hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng, trực tiếp từng người tiêu dùng bị thiệt.
Thăm dò dư luận về đề xuất tăng phí BVMT đối với xăng dầu của Zing.
Ngoài việc có thể tác động tiêu cực đến sức cạnh tranh của hàng hóa, một trong những lý do khiến các chuyên gia phản đối việc tăng phí BVMT là hiện tại số thu thuế BVMT hiện nay chưa được dùng hết cho mục đích môi trường.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, nhấn mạnh thực tế mấy năm qua, số tiền chi cho bảo vệ môi trường quá ít so với số thuế thu được từ thuế bảo vệ môi trường.
Cụ thể như năm 2016, tổng số tiền thu được từ sắc thuế này là 42.393 tỉ đồng, trong khi đó tổng chi cho bảo vệ môi trường chỉ 12.290 tỉ đồng. Như vậy, thu được 3,5 đồng mà chi chỉ 1 đồng. thôi. Năm 2015, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường là 27.020 tỉ đồng, trong khi đó chi cũng chỉ 11.400 tỉ đồng. Ông Long cho rằng chính sách thuế BVMT có mục đích chính là thu ngân sách trong bối cảnh thuế nhập khẩu mặt hàng này giảm mạnh.
Mặc dù gặp phải rất nhiều những ý kiến phản đối từ người dân cũng như các chuyên gia kinh tế nhưng đến những ngày đầu tháng 7 này, Bộ Tài chính vẫn khẳng định, giữ nguyên mức thuế BVMT tối đa lên tới 8.000 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính muốn áp dụng khung thuế này từ 1/7/2018.
Bộ Tài chính thừa nhận, khoản thu từ thuế BVMT không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà được sử dụng để bố trí, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo quy định,...
Được biết, tổng thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2016 là gần 106 nghìn tỷ đồng. Trong đó số thu thuế BVMT từ 2011 đến nay tăng vọt. Năm 2011 số thu chỉ là hơn 11.000 tỷ, thì đến 2016 đã tăng lên hơn 44.323 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 1,36-4,27% tổng thu ngân sách nhà nước.
Nếu một ngày nào đó thuế BVMT với xăng dầu được đẩy lên kịch trần như đề xuất của Bộ Tài chính, ngân sách sẽ thu được hơn 100.000 tỷ đồng/năm.
Nếu được đẩy lên kịch trần, ngân sách sẽ thu được hơn 100.000 tỷ đồng/năm từ phí BVMT đối với xăng dầu. Ả
Phát biểu trên báo Vietnamnet, ông Ngô Trí Long cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính, mới chỉ nhắm vào mục tiêu ngắn hạn là bổ sung nguồn thu ngân sách nhưng đi ngược với tinh thần kiến tạo phát triển mà Chính phủ đang xây dựng, càng không đảm bảo nguyên tắc quản trị là hài hòa giữa Nhà nước - doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam đã thua kém về năng lực cạnh tranh khi hội nhập thì tăng thuế BVMT sẽ kéo theo hệ quả tất yếu là tăng giá xăng, dầu (đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất), làm cho doanh nghiệp yếu đi. Tương tự, áp lực giá lên sức mua của người dân càng lớn.
Còn theo nhận xét của luật sư Châu Huy Quang, Trọng tài viên - Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam thì giải trình sơ lược của Bộ Tài chính chưa làm rõ được vấn đề sử dụng nguồn thuế thu được và cũng chưa nêu được những tác động đối với nền kinh tế. Theo ông Quang, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên nếu thuế tăng như đề xuất, giá có cao thì người dân vẫn buộc phải sử dụng. Tuy nhiên, sự tác động đến đời sống nhân dân, doanh nghiệp, chỉ số lạm phát... là rất lớn. Đây là lý do cần có một báo cáo tác động nghiêm túc, đầy đủ hơn.
Theo Kiến Thức
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
dailypress.com@gmail.com