Rất khó phân biệt thực phẩm sạch và bẩn ở Việt Nam

Dailypress - Ông Nguyễn Việt Hùng, đại diện Viện Chăn nuôi Quốc tế, cho biết có một thực trạng ở Việt Nam là người tiêu dùng chấp nhận trả đắt hơn từ 5-10% để mua được thực phẩm an toàn. Tuy nhiên thực tế là thực phẩm sạch và thực phẩm không an toàn tại Việt Nam rất khó phân biệt.

Ảnh minh họa.


Ngày 27.3, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức công bố báo cáo quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm ở Việt Nam, những thách thức và cơ hội. Trong đó, nghiên cứu tập trung vào chuỗi giá trị của thịt lợn và rau để tìm các nguy cơ an toàn thực phẩm tại Việt Nam, thời gian thực hiện nghiên cứu của WB là từ tháng 8.2016 đến tháng 2.2017. 
ADVERTISING


Báo cáo chỉ ra Việt Nam hiện nay có khoảng 80% thịt lợn và 85% rau được bày bán tại các chợ bán lẻ truyền thống và những người sản xuất nhỏ chiếm ưu thế trong chuỗi giá trị, trong đó 76% lợn được giết mổ trong các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ với điều kiện vệ sinh kém. 




Đáng chú ý, nhiều nghiên cứu chỉ ra mức độ nhiễm mối nguy hại vi sinh vật như salmonella trong thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng vẫn còn tương đối cao (tương ứng khoảng từ 30-40%). Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại kháng sinh tràn lan trên diện rộng cũng tăng nguy cơ để lại tồn dư trong thực phẩm. 

WB cho biết một số chất kích thích tăng trưởng, chất cấm trong chăn nuôi cũng được sử dụng làm chất tạo nạc vẫn tương đối phổ biến, chưa kể, nhiễm bẩn kim loại nặng và các chất hữu cơ bền vững trong môi trường, trong đó có dioxin cũng được ghi nhận tại một số địa phương. 

Ông Nguyễn Việt Hùng, đại diện Viện Chăn nuôi Quốc tế, cho biết có một thực trạng ở Việt Nam là người tiêu dùng chấp nhận trả đắt hơn từ 5-10% để mua được thực phẩm an toàn. Tuy nhiên thực tế là thực phẩm sạch và thực phẩm không an toàn tại Việt Nam rất khó phân biệt.

Chỉ ra thực trạng quản lý an toàn thực phẩm của Việt Nam hiện nay còn hạn chế, WB cho biết dù có rất nhiều nguồn lực và hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm đã được phân cấp xuống tỉnh, huyện, xã, phường, tuy nhiên tương tự tình trạng chung của nhiều quốc gia đang phát triển khác, hiện vẫn còn một khoảng cách lớn giữa việc ban hành và thực thi pháp luật.

Theo đó, WB khuyến cáo nhà quản lý Việt Nam nên áp dụng hình thức tự kiểm tra, kiểm soát các mối nguy sinh học phổ biến ngay tại trang trại, nơi sản xuất thay vì áp dụng hình thức thanh tra - xử phạt đối với an toàn thực phẩm mà các quốc gia khác trên thế giới đã bỏ từ lâu...

"Việt Nam đã xây dựng một khung pháp lý an toàn thực phẩm hiện đại, với các nền tảng giúp nâng cao hiệu quả triển khai an toàn thực phẩm và chất lượng kết quả đạt được. Nhưng để triển khai hiệu quả các quy định pháp lý, cần tập trung nhiều hơn vào yếu tố nguy cơ và kết quả triển khai trên thực tế. 

Không có một biện pháp đơn lẻ nào để giải quyết được mọi vấn đề an toàn thực phẩm. Kinh nghiệm thế giới cho thấy nhiều phương án thử nghiệm được phối hợp đúng cách sẽ góp phần từng bước cải thiện mức độ đảm bảo an toàn thực phẩm", WB cho hay.

Trước những khuyến nghị của WB, góp mặt tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết hệ thống luật pháp của Việt Nam hiện nay tương đối đầy đủ, đúng hướng, đúng xu thế. Vì vậy, quan trọng nhất là tăng cường năng lực thể chế từ cấp Trung ương đến địa phương, ở cả 4 cấp, trong đó cấp cuối cùng là vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh năng lực kiểm tra, đo lường, với mạng lưới từ phòng thí nghiệm, phương tiện lưu động... không phân biệt của nhà nước hay doanh nghiệp, phương tiện nào đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật đều phải được huy động để tham gia công việc này. Vấn đề quan trọng là phải tăng cường năng lực thực hiện với các giải pháp rất đồng bộ.

Theo Một thế giới
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: dailypress.com@gmail.com

Copyright 2014 © Dailypress. All rights reserved.
Trang thông tin điện tử tổng hợp Dailypress.
Ghi rõ nguồn Dailypress khi phát hành lại những thông tin này!
Trang thông tin Dailypress
Văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh
Email: dailypress.com@gmail.com