“Phù thủy lồng tiếng” Bích Ngọc lần đầu giải thích lý do không bao giờ có giọng Bắc lồng tiếng phim bộ của TVB

Được mệnh danh là “phù thủy lồng tiếng”, Bích Ngọc – vợ diễn viên Công Hậu cho biết, thu nhập những khi phim bộ “cực thịnh” có thể đủ sống, tuy nhiên, mua được nhà hay xe là tùy từng người. Ngoài ra, chị cũng hé lộ lý do vì sao không bao giờ có giọng Bắc lồng tiếng các bộ phim nổi tiếng của TVB.

Talkshow Chuyện Cuối Tuần, chủ đề “Nghề lồng tiếng – Chuyện chưa kể” phát sóng lúc 21h35 thứ bảy ngày 14/12/2019 trên kênh VTV9. Khách mời đặc biệt tham gia Chuyện Cuối Tuần là Diễn viên lồng tiếng Bích Ngọc.

Bích Ngọc là diễn viên lồng tiếng nổi tiếng. Những năm 90 của thế kỷ trước, giọng nói của chị "phủ sóng" khắp phim bộ Hồng Kông. Chị cũng chính là người đã thổi hồn cho các vai diễn của Tuyên Huyên (Xin chào thầy, Mỹ vị thiên vương, Chú chó thông minh), Châu Hải My (Mối tình nồng thắm, Tình yêu là mù quáng), Trần Tú Văn (Hồ sơ công lý, 40 tuổi đời một mái ấm), Ôn Bích Hà (Mối hận Kim Bình, Tây Du Ký, Đắc Kỷ Trụ Vương)...


Đặc biệt, một điều ít ai biết, Bích Ngọc chính là vợ của diễn viên Công Hậu. Do diễn viên lồng tiếng ít khi lộ diện trước khán giả nên người ta vẫn biết đến ông xã của chị nhiều hơn.

Tham gia Chuyện cuối tuần, Bích Ngọc cho biết, nhiều người nghĩ lồng tiếng là một công việc bình thường, chỉ cần đọc lại thoại của nhân vật cho khớp, tuy nhiên, sự thực không phải vậy. Người lồng tiếng phải có tố chất diễn viên thì mới có thể làm tốt được.


Theo Bích Ngọc, có hai dạng lồng tiếng chính: Một là lồng tiếng cho phim Việt, tức là phải nói khớp khẩu hình miệng của diễn viên toàn bộ. Thứ hai là lồng tiếng cho phim ngoại quốc thì chỉ cần nói khớp với khẩu hình miệng tiếng đầu và cuối.


Từng xem nhiều bộ phim nước ngoài, đạo diễn Lê Hoàng cho biết, anh cực kì phục những người lồng tiếng bởi có thể chuyển được mọi dạng ngôn ngữ sang tiếng Việt khớp như vậy. Tuy nhiên, diễn viên Bích Ngọc cho rằng, điều này là nhờ “công” của người biên tập và biên dịch. Nghĩa là người dịch sẽ đếm slap miệng của diễn viên, nếu diễn viên nói 7 tiếng thì cũng phải dịch ra đủ 7 tiếng thì mới khớp: “Cũng có trường hợp khi người dịch dịch không đủ thì người lồng tiếng phải thêm vào”.
                                                     

Từng tiếp xúc với rất nhiều diễn viên lồng tiếng, đạo diễn Lê Hoàng cho biết, anh thấy không hiếm diễn viên rất bận, liên tục chạy show không thua kém gì các ngôi sao biểu diễn. Theo Lê Hoàng, diễn viên lồng tiếng cũng phân chia ra ngôi sao và người bình thường, tức là có người chuyên lồng tiếng vai chính, có người chỉ được lồng tiếng vai phụ. Về điều này, “phù thủy lồng tiếng” Bích Ngọc cho biết, với diễn viên lồng tiếng phim Việt thì có thể chạy show nhưng khi lồng tiếng phim bộ thì khác, không phân biệt vai chính vai phụ, bản thân Bích Ngọc có thể lồng tiếng tất cả mọi vai từ già trẻ khác nhau.


Chia sẻ về thu nhập của những nghệ sĩ lồng tiếng, Bích Ngọc cho biết, thời kì cực thịnh của phim bộ ở Sài Gòn từ khoảng năm 1991 đến 2010, khi đó ở cả thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 30 người tham gia lồng tiếng, tuy nhiên, thu nhập của mỗi người là khác nhau bởi: “Mọi thứ vô tận lắm. Khi phim bộ cực thịnh thì đủ sống, nếu trang trải cuộc sống thường ngày thì ổn, còn mua được nhà hay không là do bạn tiêu xài thế nào”.

So với diễn viên đóng phim, nghệ sĩ lồng tiếng có thiệt thòi là không được xuất hiện trên màn hình nên khán giả chỉ biết đến giọng nói. Tuy nhiên, sau này, khi khán giả thích các bộ phim bộ nên cũng muốn biết người lồng tiếng là ai: “Khán giả gửi thư đến phòng lồng tiếng góp ý nên các sếp cho đọc tên các diễn viên. Từ đó người ta nghe và thành thói quen. Các fan của TVB nhận ra giọng của mình khiến tôi rất vui” – Bích Ngọc chia sẻ.


Theo đạo diễn Lê Hoàng, có những diễn viên có giọng nói rất kém, vì thế khi lồng tiếng mới “cứu” được nhân vật. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngược lại, khi diễn viên lồng tiếng không tốt có thể khiến diễn viên bị khán giả “ghét lây”: “Như vậy diễn viên lồng tiếng có vai trò khá quan trọng. Có thể nâng nhân vật lên hoặc kéo họ xuống. Có những khi một diễn viên chỉ chuyên lồng tiếng cho một dạng nhân vật. Đến khi nhân vật đó chết thì ông lồng tiếng đó cũng gay”.


Điều này được “phù thủy lồng tiếng” Bích Ngọc đồng tình và cho biết, trước đây trong các bộ phim Việt, lồng tiếng cho Việt Trinh thường là diễn viên lồng tiếng Kim Mai. Còn Công Hậu, Lý Hùng có những người lồng tiếng khác chuyên lồng tiếng cho hai người này: “Bản thân tôi khi lồng tiếng cho phim bộ Hồng Kông thường lồng cho Tuyên Huyên, Lý Nhược Đồng. Lồng tiếng phải làm sao cho khán giả cảm thấy giọng của mình chính là của nhân vật ấy. Phải biết điểm rơi của nhân vật, tính cách của nhân vật, của diễn viên như thế nào thì mới thăng hoa, khiến bộ phim thêm hấp dẫn”.



Nói về công việc của người lồng tiếng, đạo diễn Lê Hoàng cho biết, khác với các diễn viên bình thường, khi quay một bộ phim 90 phút thì thường phải quay mấy tháng trời “có khi quay 1 tháng 1 ngày mà chỉ chiếu lên phim có 3 phút”. Tuy nhiên, diễn viên lồng tiếng thì khác, một bộ phim lồng tiếng chỉ làm trong vài ngày, vì thế diễn viên lồng tiếng phải chuyển hóa rất nhanh cảm xúc của nhân vật. Có những khi, vừa khóc đã phải cười. Điều này được “phù thủy” Bích Ngọc chia sẻ:

“Người lồng tiếng cũng phải là diễn viên thì mới có đủ tình cảm, cảm xúc để lồng tiếng. Nếu mình không nhập tâm thì khán giả sẽ không thấy giọng nói có cảm xúc. Nhưng mọi thứ chuyển hóa rất nhanh. Vừa khóc đã phải cười. Ví dụ vừa lồng tiếng bà mẹ chồng chửi con dâu thì ngay sau đó phải đổi giọng con dâu khóc lóc năn nỉ, van xin, giống như một dây đàn vừa kéo lên đã phải kéo xuống. Điều này đòi hỏi phải người lồng tiếng phải thật nhập vai, nhập tâm và có sức khỏe, nếu không bị khan tiếng sẽ không làm nổi. Vừa làm bạn phải vừa phải giữ giọng để ngày hôm sau lồng tiếng tiếp”.


Chính bởi phải thể hiện nhiều giọng trong một bộ phim mà yêu cầu với diễn viên lồng tiếng đó là phải có khả năng giả giọng. Có những nghệ sĩ ngoài đời nói tiếng Bắc, tiếng miền Trung, nhưng nội dung phim yêu cầu nói tiếng Nam thì diễn viên lồng tiếng phải nói giọng Nam. Đặc biệt, “phù thủy lồng tiếng” Bích Ngọc cũng lý giải vì sao các bộ phim bộ của Hồng Kông không có giọng Bắc lồng tiếng: “Các phim bộ đòi hỏi phải nói giọng Sài Gòn, giọng miền Nam. Trước đây cũng thử lồng giọng Bắc nhưng do người ta quen giọng Nam rồi nên lại thôi”.

Là đạo diễn nhiều bộ phim nổi tiếng, có sự am hiểu với điện ảnh, đạo diễn Lê Hoàng cho biết, anh thấy nhiều khán giả tâm sự rằng thích phim có phụ đề hơn vì như vậy không mất đi các âm thanh trong phim. Tuy nhiên, về phim hoạt hình thì anh thấy lồng tiếng vẫn hơn: “Phim hoạt hình mà phụ đề trôi nhanh, trẻ con không đọc được sẽ chịu”. Về điều này, Bích Ngọc cho biết, việc lồng tiếng chủ yếu diễn ra ở phim bộ Hồng Kông, còn các bộ phim Mỹ do chất giọng người Việt không mạnh như người Mỹ nên lồng tiếng thường khó giống và khó khớp. Đặc biệt, nhiều người học ngoại ngữ thường thích nghe song song cả tiếng Mỹ để rèn luyện ngôn ngữ, vì thế các bộ phim Mỹ thường ít được lồng tiếng.


Cuối cùng, “phù thủy lồng tiếng” Bích Ngọc cho biết, để tồn tại trong nghề này lâu, mỗi diễn viên lồng tiếng cần phải không ngừng nâng cao chuyên môn, khi lồng tiếng cho một bộ phim xong cần phải xem lại để có thể rút kinh nghiệm cho bản thân và nâng cao trình độ. Đặc biệt, làm nghề này càng phải khiêm tốn, phải làm bộ phim sau hay hơn bộ phim trước, còn nếu nghĩ rằng mình lồng tiếng như vậy là đã được, đã “đạt đỉnh” rồi thì sẽ khó có thể tiến bộ và trụ lâu với nghề.

Chuyện Cuối Tuần chủ đề “Nghề lồng tiếng – Chuyện chưa kể” với sự đối thoại thẳng thắn giữa đạo diễn Lê Hoàng và Diễn viên Bích Ngọc sẽ được phát sóng vào 21:35 thứ bảy ngày 14/12 trên kênh VTV9.

Bình An
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: dailypress.com@gmail.com

Copyright 2014 © Dailypress. All rights reserved.
Trang thông tin điện tử tổng hợp Dailypress.
Ghi rõ nguồn Dailypress khi phát hành lại những thông tin này!
Trang thông tin Dailypress
Văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh
Email: dailypress.com@gmail.com