Quy định khống chế chi phí lãi vay: 3 hướng gỡ khó

Hai năm qua, nhiều doanh nghiệp liên tục kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi quy định về giới hạn chi phí lãi vay khi tính chi phí được trừ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp song vẫn chưa được giải quyết.

Các công ty con có nguồn vốn hạn chế và khả năng vay vốn yếu nên phải nhờ đến các công ty mẹ vay vốn về cho vay lại. Ảnh: Minh Dũng


Bị tăng thuế bất hợp lý

Nghị định 20/2017/NĐ-CP (NĐ20) và Thông tư 41/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/5/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, với đối tượng áp dụng là tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai và có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết.

Khoản 3 Điều 8 NĐ20 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA)”. Cơ quan thuế cho biết, đây là quy định nhằm chống gian lận trong chuyển giá để trốn thuế.

Theo phản hồi từ cộng động doanh nghiệp, quy định này hiện được nhiều cơ quan thuế địa phương áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam, tổng công ty, công ty mẹ - con, bất kể các công ty này có mức thuế thu nhập doanh nghiệp không giống nhau, ở giai đoạn mới đi vào hoạt động hay đã đi vào hoạt động được một thời gian dài.

Quy định này đã khiến nhiều doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ có nguồn lực vốn hạn chế và khả năng vay vốn yếu nên phải nhờ đến các công ty mẹ vay vốn về cho vay lại. Để tháo gỡ khó khăn này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, bất động sản và chứng khoán đã gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính song vẫn chưa được giải quyết.

Mới đây nhất, Nhóm công tác về thuế và hải quan của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã kiến nghị và đề xuất cách giải quyết với Bộ Tài chính về nội dung này.

Theo ông Mark Gillin, Trưởng Nhóm công tác thuế và hải quan của VBF, việc áp dụng quy định này với các dự án đầu tư mới đi vào hoạt động là không hợp lý vì doanh nghiệp trong thời kỳ mới thành lập có thể doanh thu còn thấp dẫn đến EBITDA rất nhỏ.

Do đó, nếu áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay như trên cho thời gian mới đi vào hoạt động này thì doanh nghiệp có khả năng bị loại phần lớn hay toàn bộ chi phí lãi vay khỏi chi phí được trừ, làm tăng thuế phải nộp của doanh nghiệp một cách bất hợp lý. 

Xem lại việc áp quy định với công ty mẹ - con

Ông Mark Gillin kiến nghị, với mô hình công ty mẹ - công ty con có mức thuế thu nhập doanh nghiệp giống nhau không nên áp dụng quy định này, do các giao dịch cho vay/vay liên quan không nhằm mục đích tránh thuế, và nên được khuyến khích thực hiện để tăng hiệu quả hoạt động của mô hình này.

Đặc biệt, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thường phát sinh các giao dịch cho vay theo mô hình công ty mẹ đi vay và cho công ty con vay lại. Các doanh nghiệp này, đặc biệt là các tập đoàn quy mô lớn, chịu ảnh hưởng rất lớn bởi cách xử lý thuế này.

Để giải quyết bất cập nêu trên, Nhóm công tác kiến nghị Bộ Tài chính/Tổng cục Thuế sửa đổi Khoản 3 Điều 8 của NĐ20 theo một số hướng.

Một là, tổng chi phí lãi vay bị khống chế không vượt quá 20% EBITDA trong kỳ là chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và thu nhập từ hoạt động cho vay của người nộp thuế.

Hai là, không áp dụng quy định trên đối với các dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng trong thời gian từ 3 đến 5 năm, tính từ khi bắt đầu có doanh thu.

Ba là, đối với người nộp thuế là tổng công ty, công ty mẹ - công ty con ở cùng lãnh thổ Việt Nam, cùng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thì áp dụng trên báo cáo tài chính hợp nhất của người nộp thuế.

Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang tổng hợp các ý kiến nêu vướng mắc, từ đó sẽ có đánh giá các tác động, mức độ ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp kiến nghị và trình Chính phủ trong thời gian tới để có định hướng sửa đổi.

Theo Đấu thầu
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: dailypress.com@gmail.com

Copyright 2014 © Dailypress. All rights reserved.
Trang thông tin điện tử tổng hợp Dailypress.
Ghi rõ nguồn Dailypress khi phát hành lại những thông tin này!
Trang thông tin Dailypress
Văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh
Email: dailypress.com@gmail.com