Những phát ngôn trước giờ tuyên án Đinh La Thăng và 21 bị cáo

"Làm việc với cơ quan điều tra mới biết là sai", "Tôi bị sức ép ghê gớm quá", "Bị cáo thấy rất đáng xấu hổ và nhục nhã"... là những phát ngôn trong phiên xử ông Đinh La Thăng.


Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và 21 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) diễn ra ngày 8/1. Theo dự kiến, 8h ngày mai (22/1), HĐXX sẽ tuyên án. Tại các buổi xét xử trước đó, lý giải về việc ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định để nhận tạm ứng hơn hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng, Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) nói: "Bị cáo nghĩ cứ ký vào trước để tạo công ăn việc làm cho PVC, còn lại hoàn thiện hồ sơ sau".


Quá trình xét hỏi tại tòa, một số bị cáo phủ nhận vai trò liên quan đến việc tạm ứng và sử dụng tiền trái quy định. Thẩm phán Trương Việt Toàn - một trong hai người điều hành phiên tòa - đã phải cắt lời: "Có cần nhắc lại lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra không. Cái gì bị cáo không nhớ thì bảo không nhớ để HĐXX nhắc lại”.


Về số tiền hơn 1.100 tỷ sai mục đích, bị cáo Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC), nói công ty trả nợ ngân hàng 760 tỷ, đầu tư khoảng 250 tỷ và hỗ trợ vốn lưu động cho các công trình 100 tỷ. “Bị cáo làm về tài chính nên nghĩ thu xếp tiền nhàn rỗi cho nhu cầu trước mắt. Nhận thức rất đơn giản là vay tiền rồi trả lại, sau này làm việc với cơ quan điều tra mới biết là sai", Đạt nói.


VKSND Tối cao xác định bị cáo Đinh La Thăng chỉ định cho PVC làm tổng thầu của gói EPC dù không đủ năng lực kinh nghiệm và tài chính. Khai tại tòa, Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) cũng thừa nhận: "Lúc đó biết PVC cũng chưa đủ điều kiện nhưng thực tế thời điểm đó cả nước cũng chỉ có PVC và Lilama làm được. PVC cũng từng liên kết với Lilama thực hiện dự án vượt tiến độ và rất thành công".


Khai với HĐXX, bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng BQL dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2) nói đã báo cáo cấp trên về tính pháp lý của hợp EPC số 33 nhưng không được trả lời. Ông Chương khai bản thân đã làm công văn đề nghị tạm ứng tiền cho công ty của Trịnh Xuân Thanh do sức ép từ lãnh đạo.


Bị cáo buộc làm theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thành và Vũ Đức Thuận để tham ô tài sản thông qua việc lập hồ sơ khống 4 hạng mục công trình, nguyên Phó tổng giám đốc PVC nói: "Bị cáo rất là ăn năn, hối hận khi thực hiện theo yêu cầu Chủ tịch, Tổng giám đốc".


Trong khi cấp dưới thừa nhận tham ô tài sản thì Trịnh Xuân Thanh luôn phủ nhận việc chỉ đạo cán bộ dưới quyền lập khống hồ sơ rút tiền ăn chia. Cho rằng thân chủ không nhận 4 tỷ đồng do Nguyễn Anh Minh chuyển đến thông qua lái xe riêng, luật sư Trần Hồng Phúc nói ông Thanh có chứng cứ ngoại phạm vì hôm đó bị cáo bay vào TP.HCM.


Nghe Trịnh Xuân Thanh phủ nhận việc tham ô 4 tỷ và sử dụng chung khoản 1,5 tỷ đồng, bị cáo Lương Văn Hòa (nguyên Trưởng ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) bước lên bục khai báo, đặt câu hỏi: "Anh có bao giờ chất vấn lương tâm vì ai mà bao nhiêu người phải đến dự phiên tòa?"


Bị cáo Đinh La Thăng nói bản thân không cố ý làm trái, việc ký hợp đồng, tạm ứng tiền là trách nhiệm của ban giám đốc và chủ đầu tư không liên quan nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT. Với vai trò người đứng đầu, ông Thăng xin được nhận trách nhiệm cho tất cả những người không có động cơ vụ lợi, vi phạm vì sự quyết liệt với công việc.


Tuy nhiên, đại diện VKS nói có đủ căn cứ xác định bị cáo Đinh La Thăng cố ý làm trái quy định Nhà nước. Theo đại diện cơ quan công tố, với vai trò người đứng đầu, ông Thăng biết rõ PVC không đủ điều kiện làm tổng thầu nhưng vẫn chỉ định ký gói thầu EPC và chỉ đạo cấp dưới tạm ứng tiền cho công ty này trái quy định.


Cho rằng một số bị cáo trong vụ án không nguy hiểm cho xã hội, bị cáo Đinh La Thăng đề nghị HĐXX cho một số người liên quan tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được tại ngoại.


Nói lời sau cùng vào sáng 17/1, ông Đinh La Thăng một lần nước xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân và xin nhận trách nhiệm thay cấp dưới vi phạm không vì mục đích tư lợi. 


Còn ông Phùng Đình Thực (nguyên Tổng giám đốc PVN) nói chứng cứ đủ chứng minh ông không làm trái. Thừa nhận sơ suất trong kiểm tra giám sát, ông Thực đề nghị HĐXX đánh giá đầy đủ chứng cứ buộc tội và gỡ tội, cá thể hóa hành vi khi lượng hình.


Trịnh Xuân Thanh một lần nữa mong tòa tuyên ông không tham ô tài sản vì chứng cứ buộc tội không rõ ràng. Ân hận sau khi tạo ra dư luận không tốt, bị cáo sinh năm 1966 gửi lời xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân.


Bị truy tố về tội Tham ô tài sản, nguyên Phó tổng PVC Nguyễn Anh Minh nói bản thân thấy rất xấu hổ và nhục nhã. Ông Minh ý thức rằng đã sai thì phải chịu trách nhiệm về hành vi đã gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước nên đã khắc phục để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.



Cáo trạng xác định ông Đinh La Thăng chỉ định Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) thực hiện, ký gói thầu EPC trái quy định. Sau đó, cựu Chủ tịch PVN tiếp tục chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai quy định hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ sai mục đích gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng.

Nhóm cán bộ ngành dầu khí bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do tham gia vào việc chỉ đạo PVC ký hợp đồng, tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng sai quy định. Riêng Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và 8 người khác bị truy tố tội Tham ô tài sản do cấu kết lập hồ sơ khống để rút 13 tỷ đồng chia nhau sử dụng.

Đại diện VKSND đề nghị mức án 14-15 năm tù với ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh án chung thân. Các bị cáo khác bị đề nghị 24 tháng tù treo đến 28 năm tù. 

Theo Zing
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: dailypress.com@gmail.com

Copyright 2014 © Dailypress. All rights reserved.
Trang thông tin điện tử tổng hợp Dailypress.
Ghi rõ nguồn Dailypress khi phát hành lại những thông tin này!
Trang thông tin Dailypress
Văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh
Email: dailypress.com@gmail.com