Khi Hội phụ huynh trở thành… nỗi ám ảnh của phụ huynh

Chuyện hội phụ huynh ở nhiều trường, tại nhiều địa phương với vai trò hoạt động bị biến tướng đã xuất hiện từ lâu nhưng cả dư luận cũng thấy “tế nhị với thầy cô” không tiện nói ra, và chính các bậc phụ huynh cũng “khó ăn khó nói”…


Thông báo các khoản thu tại Trường Tiểu học Chu Văn An (Đồng Tháp). Ảnh: Vietnamnet.

Trong một bài viết trên website của mình, Tiến sĩ tâm lí Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội tâm lí học xã hội Việt Nam – cho rằng, nội dung hoạt động của Hội phụ huynh học sinh là tập trung vào vấn đề làm sao nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện cho học sinh…

Nhưng hiện nay, vai trò của hội vẫn chưa được phát huy một cách toàn diện và thường sa đà vào đóng góp các loại tiền quỹ, vận động hỗ trợ nhà trường… Phụ huynh cứ đóng tiền theo yêu cầu, lẳng lặng ngồi yên nghe giáo viên và ban đại diện thông báo rồi lại lặng lẽ ra về…

Những điều Tiến sĩ Sơn nói ra, là những điều nhiều bậc phụ huynh “biết rồi, khổ lắm” nhưng không thể nói ra được. Họ, phần vì vấn đề sĩ diện, phần vì bị một số phụ huynh khá giả "đầu têu" trong việc khởi xướng các khoản đóng góp chê bai, xem thường. Nhưng vấn đề quan trọng và lo lắng hơn cả chính là sợ ảnh hưởng đến việc học của con em mình tại trường, sợ con em mình bị phân biệt đối xử, bị o ép dẫn đến học tập sa sút.

Câu chuyện các phụ huynh phải đóng góp đến 16 triệu đồng cho mỗi em học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học Chu văn An (Đồng Tháp) như một lí do khiến cho dư luận bùng nổ bức xúc về vấn đề vốn đã được dồn nén từ lâu nay cho dù bản chất vấn đề chưa hẳn như vậy.

Nhưng trên thực tế, chuyện mỗi năm đóng góp các loại quĩ, phí cho trường, đặc biệt là tại các trường điểm, trường có lượng học sinh phải xếp hàng hay “mua suất” giá cao mới vào được ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM thì các phụ huynh phải đóng góp hàng chục triệu đồng là điều đã từng xảy ra.

Xuân thu nhị kì, Hội phụ huynh họp với nhà trường, giáo viên thì câu chuyện tựu trung cũng chỉ là đóng góp. Tình trạng lâu nay có mẫu số chung là những phụ huynh giàu, có khả năng tài chính thường là những người hăng hái khởi xướng các khoản đóng góp để “chăm sóc” giáo viên hay nhà trường. Và những phụ huynh giàu cũng chính là những “nhân tố” có tiếng nói trong ban đại diện, kéo theo những phụ huynh là người lao động có thu nhập bình thường phải gánh chịu nhiều khoản đóng góp vượt quá sức mình.

Xét về mặt trách nhiệm và cả đạo lí, có lẽ các bậc phụ huynh nói chung chẳng ai khước từ việc đóng góp nhằm mục đích cho trường dạy tốt và con em mình học tốt hơn. Nhưng sự đóng góp phải tùy trường hợp và hoàn cảnh, đặc biệt là phải xét đến khả năng của phụ huynh nói chung chứ không để bị lèo lái bởi những phụ huynh giàu khiến cho hội phụ huynh học sinh trở thành nỗi ám ảnh của chính các bậc phụ huynh học sinh nói chung.

Theo Lao Động
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: dailypress.com@gmail.com

Copyright 2014 © Dailypress. All rights reserved.
Trang thông tin điện tử tổng hợp Dailypress.
Ghi rõ nguồn Dailypress khi phát hành lại những thông tin này!
Trang thông tin Dailypress
Văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh
Email: dailypress.com@gmail.com