Tại thời điểm cuối niên độ tài chính 2018-2019, “Vua cá tra” Hùng Vương lỗ lũy kế gần 1.500 tỷ đồng, trong khi cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá và đang bị kiểm soát.
Mã chứng khoán HVG của Công ty cổ phần Hùng Vương đóng cửa ngày giao dịch cuối tuần dưới mệnh giá ở mức 8.850 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch chỉ hơn 190.000 đơn vị.
Công ty cổ phần Hùng Vương báo lỗ gấp 2 lần sau kiểm toán.
Hiện cổ phiếu HVG đang trong diện bị kiểm soát đặc biệt do vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường sau khi bị đưa vào diện cảnh báo và nằm trong trường hợp Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh xét thấy cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư.
Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất niên độ 2018-2019 của Công ty cổ phần Hùng Vương có nhiều chênh lệch so với báo cáo tự lập trước đó. Doanh thu thuần thay đổi theo hướng tích cực khi tăng 155 tỷ đồng lên hơn 4.100 tỷ đồng. Nguồn thu nuôi trồng và chế biến thủy sản để xuất khẩu đóng góp gần 40% số này.
Tuy nhiên, biến động giá vốn khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 180 tỷ đồng sau soát xét. Chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đồng loạt bị điều chỉnh khiến lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh vọt lên 980 tỷ đồng. Một số khoản mục thay đổi lớn nhất là chi phí vận chuyển, dự phòng nợ phải thu khó đòi... Báo cáo kiểm toán cũng phát sinh thêm chi phí xóa sổ hàng tồn kho kém phẩm chất hơn 70 tỷ đồng.
Tổng lỗ sau thuế cả niên độ của "vua cá tra" lên đến 1.123 tỷ đồng, trong khi báo cáo doanh nghiệp tự lập trước đó chỉ lỗ gần 630 tỷ đồng. Điều này kéo theo lỗ lũy kế tính đến cuối niên độ biến động mạnh, xấp xỉ 1.500 tỷ đồng.
Phía kiểm toán nhấn mạnh các số liệu này dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
Được biết, “Vua cá tra” Hùng Vương do ông Dương Ngọc Minh sở hữu, nhiều năm dẫn đầu trong xuất khẩu sản phẩm cá tra tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau quá trình phát triển mạnh thì năm tài chính 2017, HVG bất ngờ báo lỗ gần 713 tỷ đồng sau thuế. Theo giải trình, HVG bị lỗ là do thiếu hụt nguyên liệu khiến nhà máy hoạt động cầm chừng. Đồng thời chi phí lãi vay tăng cao khi công ty mở rộng đầu tư các dự án như chăn nuôi heo, xây kho lạnh…
Điểm chú ý gần đây là HVG kêu gọi thành công sự hỗ trợ từ Thaco của đại gia Trần Bá Dương. Hai bên đã tiến đến ký kết hợp tác chiến lược. Thaco không chỉ rót vốn vào HVG, mà sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, bán hàng, quản trị và đặc biệt là hỗ trợ tái cơ cấu tình hình tài chính hiện nay. Mục tiêu sang năm 2020, HVG sẽ đem về 550 triệu USD xuất khẩu.
Dưới sự giúp sức từ Thaco, Hùng Vương đặt mục tiêu doanh thu niên độ này tăng gấp 3 lần, lên khoảng 12.500 tỷ đồng. Cá tra xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Á và châu Mỹ dự kiến đạt 100.000 tấn thành phẩm, mang về hơn 250 triệu USD. Công ty cũng phát triển vùng nuôi tôm chất lượng cao rộng hơn 500 hecta ở Bến Tre, củng cố mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất 600.000 tấn mỗi năm và phát triển mảng chăn nuôi heo.
Theo Tieudung.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
dailypress.com@gmail.com