Dù lái xe thuộc lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song trong bối cảnh tuổi lao động nghỉ hưu được nâng lên, cùng với sức khỏe người lao động ngày càng được cải thiện, việc nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với tài xế cũng cần được xem xét.
Không phải ngẫu nhiên, cả dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ GTVT soạn thảo và Luật Bảo đảm Trật tự an toàn giao thông do Bộ Công an soạn thảo đều đề cập việc tăng tuổi lái xe.
Cụ thể, điểm e, khoản 1, Điều 104 của dự Luật Giao thông đường bộ quy định: Tuổi lao động tối đa của người hành nghề lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi phù hợp với tuổi lao động được quy định trong Bộ luật Lao động. Nếu chiếu theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2021), tuổi lao động tối đa của người lái xe trên 30 chỗ đối với nữ là 60 và nam là 62.
Dù lái xe thuộc lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song trong bối cảnh tuổi lao động nghỉ hưu được nâng lên, cùng với sức khỏe người lao động ngày càng được cải thiện, việc nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với tài xế cũng cần được xem xét.
Tương tự, tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Bộ Công an cũng quy định, tuổi tối đa của người hành nghề lái ô tô chở người trên 30 chỗ phù hợp với tuổi lao động được quy định trong Bộ luật Lao động, tức nam sẽ là 62 tuổi và nữ 60 tuổi.
Lý giải về đề xuất tăng tuổi với lái xe, cả Bộ GTVT và Bộ Công an đều cho rằng trong bối cảnh độ tuổi lao động Việt Nam đang tăng lên thì việc tăng tuổi tối đa là phù hợp, giúp các doanh nghiệp vận tải tận dụng nguồn lao động có kinh nghiệm. Còn tăng như thế nào, lộ trình tăng sẽ được tham khảo ý kiến của người dân, góp ý của các chuyên gia.
Điều đó cho thấy, các cơ quan chuyên môn đã nghiên cứu kỹ về đề xuất tăng tuổi hành nghề với lái xe ô tô, đặc biệt là hạng E trước khi đưa ra đề xuất. Điều này không chỉ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, nguyện vọng của người lao động, mà còn tạo sự đồng bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Vấn đề đặt ra và cũng lo nỗi lo của không ít người là sức khỏe của lái xe trên 55 tuổi hoặc nguy cơ mắc các bệnh lý về huyết áp, tim mạch… Tuy vậy, thông thường, đối với các loại ô tô trên 30 chỗ là xe đường dài, người sử dụng lao động sẽ thường trực hai lái xe trở lên. Các tài xế sẽ chia nhau lái xe theo giờ và nghỉ ngơi những lúc không làm việc. Còn với xe buýt, đều có thời gian nghỉ ngơi mỗi khi kết thúc hành trình
Quan trọng hơn, theo quy định hiện hành, các tài xế đều phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm. Doanh nghiệp, cá nhân nào không thực hiện sẽ bị xử phạt. Vì vậy, dù tài xế ở tuổi 40 hoặc 50, nhưng không đảm bảo sức khỏe cũng đều bị cấm lái xe.
Tuy nhiên, đây là quy định mới, các cơ quan chuyên môn cần tham khảo và có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng từ phía Bộ Y tế, tránh việc đồng bộ về mặt pháp luật lại đẻ lại nỗi lo không đáng có.
Khi đã quy định ở độ tuổi sau 55, muốn tiếp tục tham gia việc lái xe thì việc khám sức khỏe ở độ tuổi này sẽ được đề cao hơn. Có thể khám ba tháng/lần, để đảm bảo sức khỏe của lái xe và duy trì nguồn lao động có chất lượng.
Khi tài xế được đánh giá đủ sức khỏe, trên cơ sở đánh giá kỹ mọi mặt, doanh nghiệp mới quyết định tiếp tục sử dụng lao động theo nhu cầu của người lao động.
Quan trọng hơn, đặc biệt là liên quan đến tuổi hành nghề của lái xe chở khách, liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có lộ trình, thực hiện thí điểm với từng loại hình vận tải hành khách, bởi đặc thù xe buýt tại đô thị với mật độ phương tiện đông đúc khác hẳn với vận tải hành khách đường dài.
Chỉ khi có sự đánh giá kỹ lưỡng mức độ phù hợp với từng loại hình vận tải mới có đủ sở sở khoa học và thực tiễn để dần nới độ tuổi lái xe để áp dụng trên diện rộng./.
Theo VOV
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
dailypress.com@gmail.com