Thị trường dầu khởi đầu năm 2023 với mức giảm hơn 8%

Thị trường dầu mỏ đã lấy lại được phần nào sự bình tĩnh sau đợt lao dốc vào đầu tuần. Nhưng khả năng có một đợt tăng giá là khá thấp.


Giá dầu thế giới ít thay đổi trong phiên 6/1, nhưng cả hai loại dầu thô tiêu chuẩn đều giảm mạnh khi kết thúc tuần đầu tiên của năm 2023 do lo ngại khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu.

Phiên 6/1, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 12 xu Mỹ (tương đương 0,2%) xuống 78,57 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 10 xu (0,1%) lên chốt phiên ở mức 73,77 USD/thùng.

Nhà phân tích Stephen Brennock của công ty môi giới giao dịch ngành năng lượng PVM cho biết, thị trường dầu mỏ đã lấy lại được phần nào sự bình tĩnh sau đợt lao dốc vào đầu tuần. Nhưng khả năng có một đợt tăng giá là khá thấp, ít nhất là trong thời gian tới khi triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm.
Theo một báo cáo từ Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ trong tháng 11/2022 đã giảm lần đầu tiên sau hơn 2 năm rưỡi.

Nhưng một báo cáo khác cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm việc làm với tốc độ cao hơn vào tháng 12, đẩy tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức thấp trước đại dịch là 3,5% do thị trường lao động vẫn thắt chặt.
Bản báo cáo việc làm trên đã khiến đồng USD tăng giá, khi các nhà đầu tư đặt cược rằng lạm phát đang giảm bớt và Fed không cần mạnh tay nâng lãi suất như một số lo ngại.

Đồng USD yếu hơn có thể thúc đẩy nhu cầu về dầu mỏ, vì hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh này sẽ trở nên rẻ hơn đối với những nhà giao dịch nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic cho biết số liệu việc làm mới nhất của Mỹ là một dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế đang dần chậm lại. Nếu điều đó tiếp diễn, Fed có thể giảm mức tăng lãi suất xuống 25 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách tiếp theo.

Nhìn chung, thị trường dầu thế giới đã có một tuần khá “thót tim” khi lao dốc mạnh ngay trong hai phiên đầu tiên của năm 2023.

Trong phiên giao dịch ngày 3/1, giá dầu thế giới giảm tới hơn 4% do ngày càng có nhiều lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu. Theo đó, giá dầu WTI giảm 3,33 USD (4,15%) xuống 76,93 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent cũng giảm 3,81 USD (4,43%) xuống 82,1 USD/thùng.

Đà giảm mạnh tiếp tục sang phiên 4/1 và đánh dấu mức giảm theo phần trăm lớn nhất trong hai ngày giao dịch đầu tiên của bất kỳ năm nào kể từ 1991 tới nay. Phiên này, giá dầu Brent chốt ở mức 77,84 USD/thùng sau khi giảm 4,26 USD (tương đương 5,2%). Giá dầu WTI cũng giảm 4,09 USD (5,3%) và đóng cửa ở mức 72,84 USD/thùng.

Ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng hợp đồng năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho, nhận định giá dầu thô đang xuống thấp hơn do lo ngại xung quanh tình hình COVID-19 của Trung Quốc và chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Cả hai đều là các nhân tố làm giảm nhu cầu năng lượng.

Giá dầu thế giới phục hồi trong phiên 5/1 khi dự trữ dầu thô của Mỹ tăng thấp hơn dự kiến. Chốt phiên này, giá dầu WTI Mỹ tăng 83 xu Mỹ (1,14%) lên 73,67 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 85 xu (hay 1,09%) lên 78,69 USD/thùng.

Với diễn biến trái chiều trong phiên 6/1, dầu Brent ghi nhận mức lỗ hàng tuần là 8,1% trong khi WTI giảm 8,5%. Đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất của hai loại dầu trong tuần giao dịch đầu tiên của năm kể từ 2016. Cả hai loại dầu này đã tăng khoảng 13% trong ba tuần trước đó.

Ông Troy Vincent, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty nghiên cứu thị trường DTN cho hay giá dầu đang chịu tác động từ nhiều phía: một đồng USD mạnh, giá khí đốt tự nhiên giảm sâu, cùng những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Các yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng nhu cầu năng lượng và khiến giá dầu “hụt chân”.

Ngoài ra, việc Trung Quốc ban hành một loạt hạn ngạch xuất khẩu sản phẩm đã qua tinh lọc cho các nhà máy lọc dầu vào đầu tuần này báo hiệu rằng thị trường tỷ dân sẽ tiếp tục lấy dầu từ kho dự trữ, trong khi đẩy nhiều sản phẩm đã lọc ra thị trường toàn cầu mà không đồng thời tăng nhu cầu dầu thô.

Theo ông Vincent, hiện việc Trung Quốc mở lại các chuyến bay và hoạt động kinh tế xã hội tiếp tục là yếu tố lớn nhất hỗ trợ dầu tăng giá. Mặc dù vậy, còn tồn tại nhiều bất ổn đáng kể về thời gian và quy mô của việc bình thường hóa hoạt động kinh tế tại Trung Quốc.

Về sự giảm giá gần 10% của giá dầu thô chỉ trong hai phiên đầu tiên của năm 2023, bà Barbara Lambrecht, nhà phân tích thị trường hàng hóa tại ngân hàng Commerzbank lưu ý rằng diễn biến đó bắt nguồn từ những lo ngại về nhu cầu, trong bối cảnh Trung Quốc xuất hiện làn sóng lây nhiễm COVID-19 lớn sau khi dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt. Tuy nhiên, bà không cho rằng điều này sẽ định hướng cho cả năm.

Chuyên gia của Commerzbank dự kiến thị trường dầu mỏ sẽ thắt chặt đáng kể, muộn nhất là từ giữa năm nay.

Bà còn lưu ý rằng đà tăng sản lượng dầu thô của Mỹ đã gây thất vọng. Với triển vọng liên tục bị hạ thấp về nửa cuối năm, ngành dầu thô của nước này khó có thể phục hồi sản lượng cao như trước khi dịch COVID-19 bùng phát vào cuối năm nay. Nếu báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy triển vọng tăng trưởng sản xuất vào năm 2024 vẫn thấp, thị trường có thể sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa./.

Theo BNEWS 
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: dailypress.com@gmail.com

Copyright 2014 © Dailypress. All rights reserved.
Trang thông tin điện tử tổng hợp Dailypress.
Ghi rõ nguồn Dailypress khi phát hành lại những thông tin này!
Trang thông tin Dailypress
Văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh
Email: dailypress.com@gmail.com