Luật Doanh nghiệp năm 2014 được dư luận chung đánh giá là một đạo luật tốt, nhưng luật này vẫn còn một số “khe hở”, nếu không muốn nói là không logic, thậm chí sai.
Các điều 78 và 79 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về hội đồng thành viên (HĐTV) của công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên. Khoản 4 điều 79 quy định “Thẩm quyền, cách thức triệu tập họp Hội đồng thành viên áp dụng theo quy định tại điều 58 của luật này”.
Quy định này sai vì theo khoản 1 điều 58 thì “Hội đồng thành viên được triệu tập họp theo yêu cầu của chủ tịch hội đồng thành viên hoặc theo yêu cầu của thành viên hoặc nhóm thành viên quy định tại khoản 8 và khoản 9 điều 50 của luật này”.
Tra ngược khoản 8 điều 50 (điểm a) ta thấy “Trừ trường hợp quy định tại khoản 9 điều này, thành viên, nhóm thành viên sở hữu từ 10% số vốn điều lệ trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do điều lệ công ty quy định còn có thêm các quyền sau đây: a) Yêu cầu triệu tập họp hội đồng thành viên để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền”.
Nên nhớ rằng, công ty TNHH một thành viên chỉ có 1 thành viên (1 chủ sở hữu) nắm giữ toàn bộ 100% vốn điều lệ thì lấy đâu ra nhóm thành viên sở hữu từ 10% số vốn điều lệ trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn để yêu cầu triệu tập họp!
Đối với công ty TNHH một thành viên là cá nhân thì chủ sở hữu phải chuyển tài sản của cá nhân mình sang cho công ty. Khoản 3 điều 76 quy định: “Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty và tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt các chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với các chi tiêu trên cương vị là chủ tịch công ty và giám đốc hoặc tổng giám đốc”. Vấn đề ở đây là tách biệt tài sản bằng cách nào và sau thời hạn bao lâu luật lại không quy định nên việc “nhập nhèm” giữa tài sản cá nhân và tài sản công ty đã, đang và sẽ tiếp diễn không có hồi kết.
Loại hình công ty TNHH một thành viên là cá nhân trên thực tế hoạt động không khác doanh nghiệp tư nhân. Nhưng nếu như Luật Doanh nghiệp không cho phép chủ doanh nghiệp tư nhân thành lập thêm doanh nghiệp tư nhân thứ hai, thì lại không cấm chủ công ty TNHH một thành viên là cá nhân lập thêm công ty TNHH một thành viên là cá nhân khác. Bên cạnh đó, so với doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên là cá nhân có lợi thế rất lớn khác là chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ.
Hệ lụy của điều này là các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát và giám sát được các công ty TNHH một thành viên là cá nhân.
Công ty cổ phần
Khoản 2 điều 143 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định bảy vấn đề phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Trong khi đó, khoản 1 điều 144 quy định năm vấn đề quan trọng được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu có quyền biểu quyết của cổ đông dự họp tán thành.
Bộ luật Dân sự 2015 (điều 74) phát triển khái niệm pháp nhân theo hướng chặt hơn đối với tiêu chí cơ cấu tổ chức là "Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân”.
Như vậy, càng có thể khẳng định doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân hay nói chính xác hơn không đủ tư cách pháp nhân.
Điều đáng nói là trong năm vấn đề này, có hai nội dung là thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh và thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty lại không thuộc nhóm bảy vấn đề buộc phải biểu quyết theo điều 143.
Ngoài ra, vấn đề quan trọng nhất đối với bất kỳ một công ty nào là việc sửa đổi, bổ sung các nội dung của điều lệ công ty lại không thuộc nhóm nội dung phải thông qua đại hội đồng cổ đông với ít nhất 65% tổng số phiếu, trong khi đối với các loại hình công ty khác vấn đề này phải được thông qua với số phiếu tối thiểu cao nhất.
Hệ quả là việc sửa đổi, bổ sung các nội dung của điều lệ công ty có thể thông qua với số phiếu đại diện cho 51% số cổ phần của những người dự họp, một tỷ lệ vốn chỉ dành cho các quyết định “thông thường”.
Công ty hợp danh
Thành viên hợp danh là một khái niệm rất không rõ ràng trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, hay nói đúng hơn là không có quy định nào về nó. Việc quy định các thành viên hợp danh có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty (điều 179) cùng với nhiều quyền khác tại điều 176 cũng có nghĩa là vai trò của chủ tịch hội đồng thành viên rất mờ nhạt, còn giám đốc thực ra hầu như không có vai trò gì trong công ty hợp danh.
Các quy định về lãnh đạo, quản lý của công ty hợp danh khi nghe qua tưởng rất thoáng, nhưng thực ra bộ máy quản lý kiểu nhiều “vòi bạch tuộc” này lại khá phức tạp, dễ gây ra nhiều tranh chấp.
Doanh nghiệp tư nhân
Khoản 4, điều 183, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp tư nhân (DNTN) không được góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Đây là quy định mới không có ở các luật doanh nghiệp trước và là một quy định mâu thuẫn với khoản 3, điều 18, theo đó chỉ có hai nhóm đối tượng không có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh là: a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Hơn nữa, quy định này còn hạn chế một kênh đầu tư quan trọng của xã hội vào nền kinh tế và buộc các nhà đầu tư tư nhân lách luật không đáng có.
Thêm nữa, theo điều 185 Luật Doanh nghiệp năm 2014, chủ DNTN là đại diện theo pháp luật, có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và có thể thuê người khác làm giám đốc quản lý doanh nghiệp. Trường hợp thuê người khác làm giám đốc thì vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Với quy định này thì không rõ địa vị pháp lý của giám đốc DNTN (được thuê) là gì? Chưa kể, vị giám đốc này không hề có quyền lực và cũng không có trách nhiệm gì!
Cũng như các luật doanh nghiệp trước đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không đả động gì đến tư cách pháp nhân của DNTN, vì theo Bộ luật Dân sự năm 2005 (điều 84) trước đây, muốn có đủ tư cách pháp nhân thì một tổ chức ngoài 3 tiêu chí: được thành lập hợp pháp; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập, thì phải thỏa mãn tiêu chí thứ tư là có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, điều mà DNTN thiếu.
Bộ luật Dân sự năm 2015 (điều 74) phát triển khái niệm pháp nhân theo hướng chặt hơn đối với tiêu chí cơ cấu tổ chức là “Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân”. Như vậy, càng có thể khẳng định DNTN không có tư cách pháp nhân hay nói chính xác hơn không đủ tư cách pháp nhân.
Và, hệ lụy của điều này là chủ DNTN không khác mấy so với chủ hộ kinh doanh trong quan hệ với các tổ chức tín dụng và với các đối tác kinh doanh khác.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
dailypress.com@gmail.com