“Dân gian vẫn có câu “đêm dài lắm mộng”. Tiến độ GPMB không khẩn trương, chậm thì ngủ một đêm sáng dậy là có những nấm mồ mới, có những loại cây trồng mới, công trình mới, chuồng trại mới phát sinh..." - ĐBQH Đặng Thuần Phong nêu quan điểm.
Sáng nay (13/11), Quốc hội thảo luận về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cân nhắc cái được cái mất khi quy hoạch 2 khu tái định cư
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ sự ấn tượng với phần mô tả thiết kế kỹ thuật dự án chi tiết với từng cm. Tuy nhiên, để lựa chọn phương án thu hồi đất và thực hiện các chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân khi thu hồi đất thì ông Cường đồng tình với những băn khoăn trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đã chỉ ra. Đó là bản dự án này còn thiếu những dữ liệu chi tiết tính toán chắc chắn, chính xác quy mô đất phải thu hồi, tổng mức bồi thường, phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân một cách phù hợp nhất cũng như chưa tính đến đầy đủ tác động của dự án.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường
Ông Cường cho rằng cần tính toán kỹ giữa cái được cái mất khi quy hoạch hai khu tái định cư. Theo báo cáo của dự án, ngay trong giai đoạn 2018-2019, dự án sẽ xây dựng xong một khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn với diện tích 280 ha và có 4823 lô đất, trong đó 98% dành để tái dịnh cư cho hơn 4727 hộ dân. Sau đó, sang giai đoạn 2019-2020, xây dựng tiếp khu tái định cư Bình Sơn với diện tích 282,79 ha, phân thành 1539 lô đất, trong đó 3% lô đất này dành để tái định cư cho hơn 469 hộ.
Theo phương án này, ngoài diện tích để tái định cư, phần đất dư ra để xây dựng nhà ở theo mô hình phát triển khu đô thị mới phục vụ nhu cầu người dân. Phần tiền thu được từ diện tích đất này chính là lợi ích của việc xây dựng 2 dự án tái định cư.
Tuy nhiên, theo ông Cường việc xây dựng 2 khu tái định cư này sẽ có một số bất cập: Đối với vùng đang quy hoạch và đầu tư phát triển mới, giá đất trên thị trường đang thay đổi hàng ngày, trong khi 4727 hộ khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã được nhận đền bù di dời tái định cư xong trong giai đoạn 2018-2019 thì 469 hộ khu Bình Sơn đến 2020 mới thực hiện di dời, khi đó giá đất trên thị trường đã thay đổi rất nhiều. Vậy thì khi đó chúng ta sẽ thực hiện bồi thường cho những hộ này theo giá thị trường hay giá của những người đã nhận trước. Đây sẽ là nguyên nhân gây ra những khiếu kiện và khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Theo kinh nghiệm trên thế giới, khi hình thành sân bay quốc tế từ 25 triệu - 50 triệu hành khách sẽ kéo theo sự phát triển các trung tâm thương mại, trung tâm logistic, trung tâm cư trú cho cán bộ.... thường phát triển thành thành phố sân bay.
“Chắc chắn sân bay quốc tế Long Thành với lưu lượng 100 triệu hành khách, ở vị trí trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ... chắc chắn sẽ hình thành và phát triển theo hướng thành một thành phố sân bay hàng ngàn hecta tại khu vực các xã Lộc An, Bình Sơn, Thành An.
Việc hình thành khu tái định cư tại Bình Sơn với quy mô hơn 289,79 ha sẽ phá vỡ quy hoạch để hình thành thành phố sân bay hiện tại trong tương lai tại những khu vực này. Do đó, chỉ cần quy hoạch một khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và điều chỉnh lại các quy mô, lô đất đã quy hoạch tái định cư với diện tích quá lớn, từ 250-300m2.
Ông Cường kiến nghị Chính phủ cần sớm quy hoạch ngay một thành phố Long Thành song song với quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành. Việc làm này không chỉ mang lại nguồn thu hàng trăm ngàn tỷ mà còn giúp cho việc hình thành một trung tâm phát triển hiện đại ở khu vực Đông Nam Bộ.
“Vấn đề 2, cần tính toán lại quy hoạch khu nghĩa trang tại xã Bình An. Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai sẽ quy hoạch nghĩa trang có diện tích hơn 50, 9ha tại xã Bình An.
Trong phạm vi cách thành phố lớn từ 40-70 km hiện nay, giá bán một m2 đất phần mộ cho người chết còn cao hơn giá đất xây dựng cho người sống. Với vị trí đắc địa như Long Thành, đặc biệt tại xã Bình An, là xã có thể nằm trong trung tâm phát triển đô thị tương lai thì đất nghĩa trang có thể giá còn cao nhiều đất biệt thự hạng sang tại khu đô lớn. Do vậy, đề nghị cần cân nhắc tại quy hoạch nghĩa trang tại Bình An vì lợi ích trước mắt cũng lớn nhưng về lâu dài sẽ cản trở cả quá trình phát triển cả khu vực”- ông Cường nhấn mạnh.
Cần thiết triển khai sớm dự án
Hoàn toàn ủng hộ việc cần thiết phải triển khai sớm dự án này, ĐBQH Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre) nhấn mạnh việc “tính toán làm sao để thực hiện cho được, hiệu quả cao nhất”.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong
Tuy nhiên, ông Đặng Thuần Phong cũng lưu ý đến vấn đề giải phóng mặt bằng. Ông Phong cho rằng dự án hình thành 12 năm nay. Theo lộ trình giải phóng mặt bằng, từ năm 2018- 2020 phải thực hiện xong hạ tầng kỹ thuật cho toàn bộ diện tích 5.000ha. Hiện nay, Đồng Nai đã tiến hành thống kê, đo đạc kiểm đếm, song địa phương cần lấy ý kiến dân, phải cam kết để đảm bảo hạn chế tối đa những phát sinh.
“Dân gian vẫn có câu “đêm dài lắm mộng”. Tiến độ giải phóng mặt bằng không khẩn trương, chậm thì ngủ một đêm sáng dậy là có những nấm mồ mới, có những loại cây trồng mới, công trình mới, chuồng trại mới phát sinh. Đặc biệt chúng ta áp giá thị trường thì nếu không quản lý chặt dễ dẫn tới khiếu nại phát sinh, ảnh hưởng rất nhiều tới dự án”- ông Phong nhấn mạnh.
Là đại biểu đã gắn bó với Đồng Nai 15 năm ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết, người dân Đồng Nai, đặc biệt là Long Thành rất mong muốn dự án sớm được thực hiện. Bởi vì 12 năm, gần như là dự án treo, ngay lúc đó lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã triển khai tất cả các biện pháp để hạn chế tiêu cực có thể xảy ra, trong khi dự án phải chờ đợi quá lâu. Đại biểu nhấn mạnh mong muốn là người dân đòi hỏi phải sớm thúc đẩy công trình này đi vào thực tế.
ĐBQH Dương Trung Quốc phân tích: “Tôi rất muốn trong nghị quyết của Quốc hội, bên cạnh việc điều chỉnh theo đóng góp, ý kiến đại biểu vào tính khả thi của dự án thì cần nhấn mạnh đến yếu tố giám sát. Bởi chúng ta có quá nhiều dự án lớn kiểu “đầu chuột đuôi voi”, tức đưa ra thì đơn giản, nhẹ nhàng nhưng cuối cùng lại phình ra, tạo ra bức xúc của người dân. Cần giám sát để mang lại niềm tin cho người dân”.
Theo Infonet
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
dailypress.com@gmail.com