Tỷ lệ học sinh khá giỏi quá cao, không phản ánh đúng thực tế

“Có quá nhiều đánh giá về thành tích giáo dục, nhưng tại sao trên bảo tốt - dưới bảo không tốt?”. Đó là băn khoăn được đặt ra trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.


Đang có sự không đồng nhất trong đánh giá cách học và cách thi hiện nay

Đánh giá về chất lượng giáo dục phổ thông, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, kết quả học tập của học sinh đã được cải thiện và nâng cao. Trừ cấp tiểu học (chỉ đánh giá theo 2 tiêu chí hoàn thành và chưa hoàn thành), ở cấp THCS và THPT, học sinh khá giỏi chiếm tỷ lệ áp đảo, còn học sinh yếu kém là rất ít. Tuy nhiên, không ít thông tin từ chính các cán bộ trong ngành lại cho rằng đánh giá này chưa thực chất.

Chỉ 60% học sinh đạt trung bình trở lên

Ông Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An cho rằng, nếu đánh giá thực chất, tỷ lệ học sinh đạt yêu cầu từ trung bình trở lên chỉ đạt khoảng 60%. Ông Nguyễn Đình Anh chia sẻ: “Tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi mà Bộ GD-ĐT đánh giá là chưa thực chất. Bởi đánh giá cho đúng thì chất lượng học tập của học sinh phải đạt cả hai mặt: nắm chắc kiến thức văn hóa và phải thực hành thí nghiệm thành công kiến thức đã học”.

Thực tế, ngay cả giáo viên, phụ huynh cũng nhận thấy tỷ lệ học sinh khá giỏi mỗi năm hiện nay quá cao, không phản ánh đúng thực tế. Đặc biệt, tại Hà Nội, PGS Văn Như Cương đã phải lên tiếng vì có quá nhiều hồ sơ, học bạ giỏi toàn diện (toàn điểm 9, 10) nhưng khi nhận vào trường thì thực tế học tập lại không tương xứng. 

Chính vì vậy, khi công bố những giải thưởng, thành tích của học sinh Việt Nam, hay những đổi mới về chính sách, phương pháp dạy và học, ngành giáo dục thường hay vấp phải phản ứng trái chiều. TS Lê Thống Nhất, Tổng Giám đốc Công ty Trường học lớn cũng đặt câu hỏi: “Chúng ta có quá nhiều đánh giá về thành tích, nhưng tại sao trên bảo tốt - dưới bảo không tốt. Đến khi nào chúng ta đồng nhất được chất lượng, để lãnh đạo Bộ GD-ĐT và địa phương, giáo viên cùng chung nhận định?”.

Đưa ra ví dụ thực tế, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo (giáo viên Lịch sử, trường THCS Trần Đại Nghĩa - TP.HCM) cho rằng, quan điểm chất lượng và mục tiêu giáo dục của các bên liên quan khác nhau nên phản ứng của nhiều phụ huynh về dự án Mô hình trường học mới - VNEN và dư luận rất khác với đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Ở góc độ Nhà nước, đó là chương trình tốt nhưng phụ huynh lại phản đối. 

“Tôi rất ủng hộ mô hình VNEN vì nó nhắm đến phát triển kỹ năng nhận thức, còn các phụ huynh phản đối VNEN vì lo sợ con em mình đạt điểm kém trong các kỳ thi, nhất là thi tốt nghiệp và vào đại học. Nếu phương thức và nội dung thi cử nhắm đến việc đánh giá kỹ năng nhận thức, đến sáng tạo, đến các kỹ năng mềm… như mục tiêu của VNEN, phụ huynh sẽ không xin cho con em mình thôi học VNEN” - cô Nguyễn Thị Huyền Thảo chia sẻ.

Cần có căn cứ khoa học để đánh giá

Giải thích về sự trái ngược trong đánh giá các vấn đề giáo dục, TS Lê Quang Minh (Trung tâm đào tạo quản lý tiên tiến, Viện Quản trị Đại học - Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, sự khác biệt xuất phát từ mục tiêu và nhận thức khác nhau về tầm quan trọng của các yếu tố cấu thành chất lượng đầu vào, đầu ra của giáo dục. Đặc biệt, ở Việt Nam, chất lượng giáo dục từ góc nhìn của các bên liên quan rất khác nhau dẫn đến không thống nhất trong quan điểm về chất lượng và nhận thức khác nhau giữa các bên.

Còn ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường phổ thông Marie Curie, Hà Nội nhấn mạnh: “Chỉ khi có một đánh giá đúng thực trạng, trên cơ sở khoa học về giáo dục Việt Nam nói chung và phổ thông nói riêng thì mới có giải pháp đúng để đổi mới giáo dục được”.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, đặt vấn đề: “Chúng tôi rất mong muốn làm rõ đổi mới đánh giá, thi cử như thế nào để đánh giá được năng lực của người học. Thực tế đã chứng minh học sinh thi gì học nấy chứ không phải học gì thi nấy. Học sinh vẫn chạy theo cái đích là vào đại học. Bởi vậy, chúng ta cần làm rõ vấn đề: Đổi mới đánh giá thi cử thế nào để đánh giá được năng lực người học? Và đánh giá có phải chỉ là qua điểm số như hiện nay?”.

Trước nhiều băn khoăn về cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục thay vì kiểu “ông nói gà, bà nói vịt” như hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, ngành giáo dục cần thống nhất chuẩn khái niệm, chuẩn đánh giá để có được sự đồng nhất về nhìn nhận chất lượng giáo dục.

Theo ANTĐ
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: dailypress.com@gmail.com

Copyright 2014 © Dailypress. All rights reserved.
Trang thông tin điện tử tổng hợp Dailypress.
Ghi rõ nguồn Dailypress khi phát hành lại những thông tin này!
Trang thông tin Dailypress
Văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh
Email: dailypress.com@gmail.com