Tràn lan bột sắn dây, tinh bột nghệ không rõ nguồn gốc

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện tình trạng sản xuất, buôn bán bột sắn dây, tinh bột nghệ tràn lan, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bột sắn dây là loại thực phẩm giúp thanh nhiệt, giải độc được nhiều người ưa chuộng trong những ngày hè nắng nóng. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình và bán ra thị trường, nhiều hộ dân đã làm nghề chế biến tinh bột săn dây.

Bột sắn dây được bày bán vớibao bì sơ sài, không có cơ sở sản xuất, hạn sử dụng. Ảnh: Quang An


Sản xuất tinh bột sắn dây phải qua nhiều công đoạn như xay, ép, lọc, phơi, sấy… Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ để cho sản phẩm tốt. Tuy nhiên, do lợi trước mắt một số hộ sản xuất, chủ cơ sở kinh doanh dễ dàng trộn những loại bột không rõ nguồn gốc nhằm tăng thêm lợi nhuận mà người sử dụng không thể biết. 

Chị Nguyễn T.H ở xóm 5, xã Nam Anh (Nam Đàn) cho biết: Sản phẩm tinh bột sắn dây của chúng tôi luôn đảm bảo quy trình sản xuất và không pha lẫn tạp chất, tuy nhiên đầu ra của sản phẩm chủ yếu dựa vào các mối của người quen, sự tin tưởng nhau. Từ khi có mạng xã hội, sản lượng bán ra của chúng tôi giảm đi nhiều do không biết cách tiếp thị qua mạng như những người khác. Không chỉ vậy, một số địa phương sản xuất bột sắn dây đã ghi trên bao bì là bột sắn dây Nam Đàn.

Chỉ cần tìm kiếm trên internet sẽ có hàng trăm tài khoản đăng ký bán bột sắn dây và người dân rất khó kiểm định được chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Chị Nguyễn Thị Loan ở phường Hưng Dũng (TP.Vinh) cho biết: “Tôi nhờ người quen mua hộ 1kg tinh bột sắn dây về dùng, chỉ được thời gian ngắn không hiểu do bảo quản không tốt hay chất lượng sản phẩm kém mà bột sắn dây đã ngả vàng và bị mốc".

Không riêng gì sắn dây mà bột nghệ cũng rất khó kiểm soát chất lượng bởi từng gói bột nghệ trên thị trường đang được bán qua sự tin tưởng lẫn nhau.

Ngược Quốc lộ 1A, chúng tôi tìm về thủ phủ “tinh bột nghệ” tại xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai. Năm 2016, toàn xã trồng 80ha nghệ, nhận thấy đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng nên năm 2017 xã đã chuyển đổi diện tích đất trồng các cây màu truyền thống sang trồng nghệ, tăng diện tích gần 200ha.

Hiện trong tổng số 22 xóm của xã thì có 8 xóm chuyên trồng nghệ và sản xuất tinh bột nghệ.
Chế biến tinh bột nghệ thủ công, nếu không che đậy cẩn thận chuột bọ vào cùng ảnh hưởng đến an toàn VSTP. Ảnh Quang An


Tuy là địa phương có diện tích nghệ lớn nhưng tình trạng sản xuất tinh bột nghệ tại Quỳnh Vinh còn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún trong từng hộ gia đình. Đầu ra sản phẩm chủ yếu dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau và bán cho những người quen.

Ông Lê Đăng Thùy - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh cho biết: "Cây nghệ được trồng lâu năm tại địa phương, khoảng 5 năm trở lại đây, người dân dần chuyển hướng kinh doanh, không bán nghệ tươi sau khi thu hoạch mà đầu tư máy móc để sản xuất tinh bột nghệ. Hiện toàn xã có 40% số hộ dân trồng nghệ sản xuất tinh bột. Mặc dù được chế biến với phương thức truyền thống, đảm bảo an toàn, không trộn lẫn tạp chất nhưng do chưa đăng ký được nhãn hiệu nên sản xuất mang tính tự phát".
Sản xuất tinh bột nghệ không có nhãn mác. Ảnh: Quang An


Đặc trưng của sản xuất tinh bột nghệ là có sự hao hụt lớn. Bình quân 1 tấn nghệ tươi chỉ tinh chế được khoảng 40 kg tinh bột nghệ. Do đó, đây là sản phẩm có giá bán cao, trung bình từ 400.000 đồng/kg trở lên. Lợi nhuận cao chính là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người sản xuất tinh bột nghệ tràn lan, trà trộn để tăng khối lượng sản phẩm.

Hiện nay, sản phẩm tinh bột nghệ chủ yếu được sản xuất theo phương pháp thủ công, đóng gói sơ sài, vì vậy, trong điều kiện thông thường qua thời gian nếu không được bảo quản tốt thì tinh bột nghệ dễ bị ẩm mốc chất lượng không đảm bảo.

Ông Lê Xuân Hồng ở xóm 5, xã Quỳnh Vinh thở dài: Những thành phần sản xuất hàng giả như vậy đã ảnh hưởng đến quyền lợi của những người sản xuất bột nghệ truyền thống địa phương chúng tôi. Năm 2014 tôi đã làm hồ sơ, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm của gia đình. Cách làm này đã phát huy được hiệu quả khi người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa sản phẩm vì đã có nhãn mác cụ thể.

Với sự bùng nổ của mạng xã hội, các sản phẩm tinh bột nghệ, bột sắn dây kém chất lượng ngày càng tràn lan trên thị trường, dễ dàng liên hệ để thu mua. Điều này gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng và thiệt thòi quyền lợi cho những hộ dân sản xuất đúng quy trình.

Các cơ quan chức năng cũng đã nhận thấy tình trạng này tuy nhiên chưa vào cuộc hướng dẫn, kiểm tra, xử lý.

Theo Báo Nghệ An
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: dailypress.com@gmail.com

Copyright 2014 © Dailypress. All rights reserved.
Trang thông tin điện tử tổng hợp Dailypress.
Ghi rõ nguồn Dailypress khi phát hành lại những thông tin này!
Trang thông tin Dailypress
Văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh
Email: dailypress.com@gmail.com