Dailypress - Nghị định 145/2016/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 145) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) với 46 khoản sửa đổi, bổ sung các hành vi và chế tài xử phạt hành chính, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/12 tới đây.
Nghị định 145 ra đời được kỳ vọng sẽ tăng tính minh bạch cho TTCK. Ảnh: Hữu Linh.
Với nhiều nội dung mới, quy định một mặt tạo thông thoáng cho doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn, mặt khác có đủ sức răn đe, xử phạt nặng các doanh nghiệp vi phạm quy định về thời hạn đưa cổ phiếu lên sàn, sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn.
Thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chánh thanh tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, Nghị định 145 bổ sung các hành vi vi phạm về chào bán cổ phiếu theo quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán như: Không công bố báo cáo sử dụng vốn được kiểm toán xác nhận; không mở tài khoản phong tỏa và tiếp nhận vốn huy động từ đợt chào bán... Nghị định 145 cũng sửa đổi khung phạt, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về giao dịch của cổ đông sáng lập; người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ; cổ đông lớn, nhà đầu tư sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng để đảm bảo mức phạt phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Ngoài ra, với việc thực hiện nghĩa vụ công ty đại chúng, Nghị định 145 đã sửa đổi khung phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, đến tính minh bạch trong hoạt động và quản trị của công ty đại chúng. Đồng thời, bổ sung các chế tài xử lý các hành vi vi phạm về quản trị công ty đại chúng theo quy định tương ứng tại Luật Doanh nghiệp 2014…
Theo nhận định của bà Phạm Thị Thanh Hương, trong bối cảnh TTCK phái sinh chuẩn bị đi vào hoạt động, Nghị định 145 bổ sung đối tượng, hành vi để kịp thời xử lý các vi phạm của tổ chức kinh doanh, nhà đầu tư, thành viên tạo lập thị trường, thành viên bù trừ…, giúp TTCK này hoạt động an toàn, ổn định, lành mạnh. Đồng thời, việc xây dựng và ban hành đồng bộ chế tài xử lý hình sự, hành chính góp phần tăng cường xử lý, răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm mang tính nghiêm trọng trên TTCK.
Đáng chú ý, Nghị định 145 cũng lần đầu tiên bổ sung chế tài xử phạt các doanh nghiệp vi phạm quy định về thời hạn đưa cổ phiếu lên sàn (mức phạt cao nhất lên đến 400 triệu đồng áp dụng đối với hành vi không đăng ký hoặc chậm đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán trên 12 tháng). Có thể thấy nhà quản lý một mặt tạo thông thoáng cho doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng mặt khác đưa ra chế tài mới có sức răn đe để xử phạt nặng các doanh nghiệp vi phạm quy định về thời hạn đưa cổ phiếu lên sàn. Bà Phạm Thị Thanh Hương cho rằng, việc bổ sung và áp dụng chế tài này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện nghĩa vụ niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK, qua đó hỗ trợ thực hiện chủ trương thúc đẩy cổ phần hóa, tăng cường hiệu quả hoạt động, nâng cao tính minh bạch, khả năng cạnh tranh, quản trị của các doanh nghiệp.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC (SJCS): “Việc Nghị định 145 bổ sung thêm quy định xử phạt đối với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn cho thấy hoạt động niêm yết sau IPO đã trở thành quy định bắt buộc và được luật hóa thay vì chỉ khuyến khích như trước kia. Đây cũng là việc nên làm bởi Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng hạng cho TTCK”.
Thanh tra liên ngành phải vào cuộc
Nghị định 145 ra đời được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao bởi những biện pháp răn đe và chế tài xử phạt mạnh tay của cơ quan chức năng. Có ý kiến cho rằng, việc phạt nặng doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn hay không hoặc chậm công bố báo có tài chính cũng như mắc những lỗi vi phạm hành chính khác là cần thiết. Tuy nhiên, thực chất tiền doanh nghiệp bỏ ra nộp phạt chính là tiền của các cổ đông, nên sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của cổ đông. Một nhà đầu tư cho rằng, cơ quan có thẩm quyền nên phối hợp với các bộ, ngành khác để đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp cũng như những cá nhân liên quan có liên đới trách nhiệm để đưa ra mức xử phạt hợp lý, chính xác, có tính răn đe mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông.
Mặt khác, theo một chuyên gia chứng khoán độc lập, một chế tài nghiêm khắc đối với các sai phạm trong việc đảm bảo cung cấp thông tin và các dịch vụ kinh doanh chứng khoán là chưa đủ. Điều quan trọng không kém là cần tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát của các ban thanh tra liên ngành như UBCK, Công an, cơ quan Thuế... đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng cần áp dụng linh hoạt các biện pháp cấp, đình chỉ và thu hồi các loại giấy phép trong lĩnh vực chứng khoán và kinh doanh chứng khoán đối với các đơn vị và cá nhân vi phạm các quy định về phổ biến và bảo đảm chất lượng, an toàn thông tin chứng khoán. Đặc biệt, cần tăng cường mức xử phạt (tịch thu toàn bộ khoản lợi bất chính, và phạt thêm gấp nhiều lần khoản lợi đó, cấm hành nghề vĩnh viễn, thậm chí kiến nghị đưa một số hành vi vi phạm nguy hiểm vào Bộ luật Hình sự để xử lý như những loại tội phạm mới) và thông tin rộng rãi về các đối tượng và hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm giữ nghiêm kỷ cương trên TTCK.
TTCK nước ta tuy đã đi vào hoạt động ổn định nhưng vẫn dễ bị tổn thương. Vì thế, tăng cường chất lượng công tác thông tin và giám sát, xử phạt các vi phạm hành chính là việc làm thiết thực và cấp bách để củng cố sự phát triển lành mạnh và vững chắc cho TTCK nói riêng và nền kinh tế thị trường Việt Nam nói chung.
Theo Báo Hải quan
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
dailypress.com@gmail.com