Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự kỷ niệm 60 năm thành lập trường Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM

Dailypress - Sáng ngày 11/11, trường ĐH Công nghiệp Tp.HCM kỷ niệm 60 năm thành lập trường và khai giảng năm học 2016 – 2017. Đến tham dự có Đồng chí Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công thường cùng đại diện các sở ban, ngành, Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc TS.Nguyễn Thiên Tuế Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tiền thân là trường Huấn nghiệp Gò Vấp đã ra đời tại xã Hạnh Thông, Quận Gò Vấp, Tỉnh Gia Định. Suốt 60 năm qua, ngôi trường bé nhỏ đó đã không ngừng lớn mạnh và trở thành một trường đại học có uy tín tại phía Nam, giữ vai trò quan trọng trong hoạt động đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành công thương; đó là Trường Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh hôm nay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự kỷ niệm 60 năm thành lập trường Trường ĐH Công TP.HCM

Đứng trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nướcvà hội nhập quốc tế, chất lượng đào tạo là yếu tố quan trọng nhất và cùng với đó là hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn liền với thực tiễn. Với vị thế là trường đại học đầu tàu của Bộ Công Thương, Nhà trường đã xây dựng mục tiêu chiến lược giai đoạn 2015 - 2020: Phấn đấu trở thành trường Đại học trọng điểm Quốc gia, và hướng đến tầm nhìn 2025: Sẽ nằm trong nhóm 10 trường đại học hàng đầu của Việt Nam theo định hướng ứng dụng - sáng tạo, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực về đào tạo nhân lực chất lượng cao.

TS.Nguyễn Thiên Tuế chia sẻ thêm những định hướng trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM quyết tâm thực hiện nhiệm vụ năm học 2016 -2017: Tiếp tục xây dựng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên. Đặc biệt, giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng 40 người/năm (tỉ lệ tăng 3%/năm) đảm bảo đến năm 2020, giảng viên có trình độ tiến sĩ 300 người, đạt tỉ lệ: 25%; 

Chuẩn hóa việc sử dụng chương trình, giáo trình theo hướng tiếp cận chương trình tiên tiến của thế giới. Phấn đấu đến năm 2020, 50% chương trình và đến năm 2023, 100% chương trình đạt chuẩn khu vực và quốc tế theo tiêu chuẩn AUN-QA và ABET. Củng cố và phát triển các chương trình hợp tác với các đối tác truyền thống, như các trường đại học ở Hàn Quốc, Vương quốc Bỉ, Cộng hòa liên bang Đức, Nhật Bản, Đài Loan…Đồng thời, chủ động tìm kiếm những đối tác mới có khả năng hợp tác với Nhà trường về các lĩnh vực đào tạo, NCKH và trao đổi GV.

Trình Bộ Giáo dục - Đào tạo phê duyệt Đề án thành lập Phân hiệu tại Thanh Hóa, nhằm đào tạo nhân lực trình độ cao cho khu công nghiệp hóa lọc dầu Nghi Sơn và các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. 

Đẩy mạnh việc triển khai công tác đền bù, tái định cư và giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng cơ sở mới của Trường tại Quận 12, với diện tích 26,7ha. Phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học cho 7 ngành trọng điểm của Nhà trường.

Cũng trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường, Nhà trường đã vinh dự và tự hào được đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng


Phát biểu chỉ đạo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh : Một quốc gia muốn giàu, một quốc gia muốn mạnh thì nhất thiết phải có một nền giáo dục tốt. Và với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, vào yếu kém, Trung ương Đảng và cả xã hội đã xác định chúng ta phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trong đó có đổi mới giáo dục đại học. Mà một trong những khâu mà cả xã hội hết sức quan tâm và cũng là một khâu bức thiết là nâng cao chất lượng đầu ra của đại học.


Một đòi hỏi và cũng là giải pháp nâng cao chất lượng đại học đấy là phải thực hiện tự chủ đại học. Thực ra tự chủ đại học, nhất là trong thời gian trước đây, thường được hiểu lệch là tự chủ tài chính, nghĩa là Nhà nước không cấp tiền cho đại học. Bản chất thực sự của tự chủ đại học là tự quản trong đại học, bỏ chủ quản từ bộ chủ quản còn ngân sách Nhà nước không phải không tiếp tục đầu tư cho giáo dục, trong đó có giáo dục đại học. Và thực tế ở nhiều nước trên thế giới các trường đại học thực hiện tự quản, thực hiện tự chủ như ng nhiều nước ngân sách nhà nước vẫn bảo đảm một phần lớn trong đó điển hình là các nước châu Âu.

Trao quyền tự chủ cho đại học phải gắn liền với trách nhiệm giải trình của Nhà trường và các chính sách cần thiết để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao cho mọi người, đặc biệt cho gia đình chính sách, người nghèo.

Tôi đánh giá cao Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và Bộ Công thương đã chỉ đạo để Nhà trường là một trong các trường đại học đầu tiên tình nguyện thực hiện cơ chế tự chủ. Qua hơn 1 năm thực hiện nhưng những kết quả đã đạt được là tích cực và khá rõ ràng. Công bố khoa học tăng trên 23%. Chi cho học bổng tăng 6 lần trong khi tổng thu học phí tăng 2,4%. Trong đợt tuyển sinh vừa qua, Nhà trường đã tuyển sinh đủ ngay trong đợt đầu tiên. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng vừa qua mới là những bước đi rất ban đầu của tự chủ. Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ thực chất, không nửa vời.


Với các bạn sinh viên, tôi cũng có rất nhiều dịp chia sẻ. Chỉ mong rằng các bạn thực sự ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội, với tương lai và trước hết ngay với những người thân nhất của mình. Các bạn hãy phấn đấu để thực sự trở thành những công dân toàn cầu theo đúng nghĩa. Làm sao cố gắng học tập, đại học là tự học là chính. Làm sao để cho mình là cử nhân ra trường, kỹ sư ra trường, kỹ thuật viên ra trường không “thua chị, kém em” không chỉ ở trong nước mà cả thế giới, không chỉ chuyên môn mà cả ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng mềm.

Thục Vy

Bài viết đóng góp, xin gửi về email: dailypress.com@gmail.com

Copyright 2014 © Dailypress. All rights reserved.
Trang thông tin điện tử tổng hợp Dailypress.
Ghi rõ nguồn Dailypress khi phát hành lại những thông tin này!
Trang thông tin Dailypress
Văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh
Email: dailypress.com@gmail.com