1,5 triệu m3 chất thải ra biển Bình Thuận: Chưa ngã ngũ

Dailypress - Bộ TN-MT hiện chưa chấp thuận xin phép đổ chất thải rắn ra biển Tuy Phong của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 do lo ngại tác động môi trường.

Ngày 11/11, sau cuộc họp giữa Bộ TN&MT và Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, hiện việc nhấn chìm 1,5 triệu m3 chất thải, vật liệu sau nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 là chưa được chấp thuận.

Theo báo Người Lao động, Bộ TN&MT đã nghiêm túc nghiên cứu thông tin từ báo chí nêu ý kiến của các nhà khoa học, ý kiến của người dân. Cụ thể, việc đánh giá tác động môi trường khu vực xả thải trước đây đã được duyệt là chưa đảm bảo.

Bộ TN&MT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan thuê một đơn vị tư vấn độc lập, có năng lực thật sự để đánh giá từ công nghệ ở cả khu vực nạo vét lẫn khu vực xả thải sẽ ảnh hưởng đến môi trường như thế nào.

Từ đó Bộ TN&MT sẽ đưa ra quyết định cuối cùng nhưng trên cơ sở không ảnh hưởng đến môi trường biển, đặc biệt là Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

 1,5 triệu m3 chất thải ra biển Bình Thuận: Chưa ngã ngũ

Trước đó, hôm 10/11, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng cho hay cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng đặc biệt là những việc nhấn chìm hoặc đổ chất thải xuống biển lần đầu thì trong luật phải cho phép.

Đương nhiên, vấn đề quan trọng nhất ở đây là đổ ở đâu và đổ cái gì. Trong trường hợp nạo vét luồng lạch, phải quy hoạch, xem có ảnh hưởng đến các hệ sinh thái cần phải bảo tồn. Chẳng hạn, nếu gần khu bảo tồn một hệ sinh thái nhạy cảm thì không được.'' - Bộ trưởng Hà nói.

Trao đổi với Đất Việt, ông Huỳnh Thanh Cảnh - Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Bình Thuận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận (ĐBQH) cho biết, khu vực công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xin phép được xả thải đã được Bộ TN-MT xác nhận từ trước đây và đã có báo cáo môi trường chung.

"Mục đích hướng tới là làm sao để đảm bảo an toàn môi trường, hệ sinh thái biển nói chung và đặc biệt là bảo vệ thật tốt khu bảo tồn Hòn Cau nói riêng. Bởi lẽ, khu bảo tồn biển này có thể nói là phong phú nhất của tỉnh Bình Thuận và của cả nước" - ông Cảnh nói.

Theo hồ sơ xin phép Bộ TN- MT của công ty này thì khối lượng nạo vét đổ thải lớn. Nếu đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền phải có diện tích lớn nhưng địa hình tại huyện Tuy Phong phức tạp, không có mặt bằng để thực hiện.

Đồng thời, việc đổ thải trên đất liền có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường. Do đó việc đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền sẽ không đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội.

Theo Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1, toàn bộ chất thải từ quá trình nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu sẽ được chở đổ cách vùng đệm của Khu bảo tồn biển Hòn Cau 500 m.

Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 cũng thừa nhận, việc nạo vét sẽ tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản, làm cho môi trường trầm tích bị xáo trộn, gây hại cho động vật đáy và khu vực đánh bắt cá.

Chất thải rắn chưa qua xử lý của nhà máy nhiệt điện than là rất độc hại.

Việc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xin phép được xả thải khối lượng chất thải lớn ra khu vực biển Tuy Phong, theo GS.TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang là ảnh hưởng tới vấn đề môi trường lớn.

Bởi khu vực biển này là một trong 18 vùng nước trồi ven bờ biển trên toàn thế giới, tạo nên môi trường sống thuận lợi, cơ sở thức ăn của hải sản phong phú, sản lượng hải sản tăng và có chất lượng tốt hơn các vùng khác, góp phần tạo nên ngư trường cá trọng điểm.

PGS. TS Trần Văn Quang - Trưởng khoa Môi trường, Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhấn mạnh tới yếu tố dòng hải lưu, và việc nạo vét trầm tích tại khu vực biển Tuy Phong. Việc nạo vét trầm tích biển sẽ gây mất cân bằng sinh thái tại khu vực nạo vét, ngoài ra còn những thành phần độc hại chứa trong lớp trầm tích đó. Về nguyên tắc, phải phân tích cụ thể lớp trầm tích được nạo vét lên.

"Trong báo cáo môi trường của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có làm những việc này không? Nếu không thì giống như làm liều, làm ẩu như Formosa vừa rồi.'' - TS. Quang nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nếu chi tiết phương án xây dựng hệ thống xả thải.

"Nếu muốn đổ chất thải trong quá trình nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dụng phục vụ cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 thì cần phải xây đường kè ở bên ngoài chặn lại, sau đó mới xả thải ở trong" - ông Sơn nói.

Nếu cứ thải tự do xuống biển thì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau gần đó. Đặc biệt là khi khu bảo tồn ấy nằm ở phía Nam khu vực xả thải. Thông thường, dòng chảy ven bờ của biển Đông có hướng từ Bắc xuống Nam. Điều này sẽ kéo theo những chất thải đi tới các địa điểm khác ở phía Nam dẫn tới hiện tượng bồi lấp. Sau đó, giải quyết hậu quả là mất công nạo vét và ảnh hưởng sinh thái thì không giải quyết được.

'Đối với các chất thải rắn không độc hại thì ảnh hưởng của nó chỉ là bồi lấp, chiếm đất. Thế nhưng đối với dạng lọc dầu hoặc như Formosa thì liên quan đến hóa học và đi kèm theo nó là có rất nhiều chất thải lỏng nguy hiểm.

Và nếu chúng ta cho phép những công ty này thải chất rắn thì họ cũng sẵn sàng thải cả chất lỏng ra ngoài. Chất lỏng chất rắn có thể hòa với nhau và đưa ra biển, cuối cùng là không kiểm soát được và dẫn tới thảm họa...'' - ông Sơn cảnh báo.

Theo Báo Đất Việt
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: dailypress.com@gmail.com

Copyright 2014 © Dailypress. All rights reserved.
Trang thông tin điện tử tổng hợp Dailypress.
Ghi rõ nguồn Dailypress khi phát hành lại những thông tin này!
Trang thông tin Dailypress
Văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh
Email: dailypress.com@gmail.com